Vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng
Không thể phủ nhận rằng, sau 02 năm triển khai, một số nội dung của Luật đã đạt được những kết quả nhất định và có tác động tích cực đến sự phát triển DNNVV. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía cộng đồng DNNVV cho biết, đến nay DN vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ… Vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của DN. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh còn mâu thuẫn, không rõ ràng, gây khó cho DN, trong đó đặc biệt là khó khăn về tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV trong 2 năm triển khai còn gặp nhiều rào cản, chưa tạo thuận lợi cho DN phát triển. Các hoạt động hỗ trợ thì hiếm hoi, quy mô nhỏ, tản mát nên tác động đến DNNVV không đáng kể. Mặc dù Luật đã quy định rõ nhưng nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ các DN. Các doanh nghiệp chưa triển khai được các hạng mục được ưu tiên, hỗ trợ, đặc biệt là vẫn yếu thế trong cạnh tranh, trong tiếp cận nguồn lực so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Vẫn biết các chính sách đưa vào thực tiễn đều có độ trễ và phải có thời gian để triển khai trong thực tế, nhưng sự chậm trễ này đang là những trở ngại lớn kìm chế lực lượng sản xuất phát triển và đang làm nản lòng khối DNNVV.
Tại Dự thảo báo cáo 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai Luật, điển hình như: Một số chính sách về hỗ trợ thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo,… chưa triển khai được do quy định pháp lý chưa hoàn thiện, hay các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, một số chính sách cũng chưa đủ hấp dẫn, nguồn lực hỗ trợ chưa đủ để triển khai các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa khuyến khích được các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên DN. Nguyên nhân theo phản ánh của địa phương và báo cáo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á là do chính sách thuế và chế độ thuế, kế toán, thanh kiểm tra,... Do đó, cần khẩn trương cụ thể hóa các chính sách này để tạo động lực thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Hiện nay, việc tiếp cận hỗ trợ còn nhiều thủ tục rườm rà, gây tâm lý e ngại cho các DN khi tham gia các Chương trình, Đề án hỗ trợ của Nhà nước. Các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các thủ tục theo quy trình của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề thanh quyết toán. Việc tiếp cận với các thông tin về các chính sách hỗ trợ còn khó khăn do các chương trình hỗ trợ vẫn đang nằm tản mạn ở các cơ quan, bộ ngành, địa phương, trong khi đó lại chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho DNNVV.
Ngoài ra, nhiều bất cập cũng xuất phát từ bản thân các DN, đó là những hạn chế về quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội, tổ chức hỗ trợ, cơ quan quản lý nhà nước,... dẫn đến việc triển khai các hỗ trợ của Luật gặp nhiều khó khăn.
Luật hỗ trợ DNNVV sau hơn 2 năm thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng
Giải pháp nào để Luật thực sự tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển?
Luật hỗ trợ DNNVV ra đời được cộng đồng DNNVV đón nhận và đặt nhiều kỳ vọng sẽ là kênh hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các DNNVV phát triển. Với tỷ lệ chiếm tới hơn 90% DN đang hoạt động trên cả nước, thì sự đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ khối DNNVV là rất lớn. Nếu có sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ Luật hỗ trợ DNNVV thì DN sẽ được tăng thêm sức mạnh để phát triển. Vậy giải pháp nào để Luật hỗ trợ DNNVV triển khai có hiệu quả, hỗ trợ kịp thời, tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển bền vững?
Một đại diện cộng đồng DNNVV cho rằng, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục, trình tự thẩm định các bước về các dự án đầu tư, xây dựng, đất đai...; cần đối xử công bằng giữa DNNVV với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Cùng với đó, phải đẩy mạnh truyền thông, xây dựng và hình thành cổng thông tin điện tử để giải đáp các thuận lợi, khó khăn khi triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV tại các địa phương; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia, cố vấn và các cán bộ văn phòng Hiệp hội cấp tỉnh, thành để trở thành chuyên gia tư vấn cho các địa phương, các doanh nghiệp khi muốn thực hiện Luật…
Có thể nói, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước về ưu tiên phát triển DNNVV, DN khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Với mục tiêu này, hy vọng thời gian tới, các bộ ngành, địa phương sẽ có những hành động quyết liệt hơn để Luật thực sự đi vào cuộc sống và là động lực tạo sự phát triển mạnh mẽ của khối DNNVV, qua đó, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của đất nước./.
Đức Minh