Chủ Nhật, 24/11/2024 05:42:01 GMT+7
Lượt xem: 4425

Tin đăng lúc 29-01-2019

Lực lượng QLTT gia tăng kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm

Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng QLTT gia tăng kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ghi nhận những nỗ lực của lực lượng QLTT. Ảnh: Phạm Bình

Đồng thời, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý hoạt động thương mại góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Tuy nhiên, tình hình buôn  lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm qua vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

 

Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ. Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển chủ yếu từ biên giới các tỉnh: Tây Nam Bộ (Long An, An Giang…), miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh,…), phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…); thời gian vừa qua, việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua các cảng biển, cảng hàng không và đường sắt cũng vẫn diễn ra với nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp.       

 

Hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa có chiều hướng suy giảm, tập trung trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu, nhất là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci, Lancome, Apple… Các mặt hàng vi phạm nhiều nhất vẫn là đồng hồ, mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo...

 

Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết nhưng do lợi nhuận cao, hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý chưa đồng bộ, công tác quản lý của các Trung tâm thương mại, Ban Quản lý các chợ chưa quyết liệt, chặt chẽ dẫn đến vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán.

 

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong thương mại điện tử còn “tinh vi” và phức tạp hơn rất nhiều.

 

Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 490,27 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.

 

Nguồn BCĐ389


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang