Chủ Nhật, 24/11/2024 15:51:18 GMT+7
Lượt xem: 2460

Tin đăng lúc 12-11-2019

"Lực lượng Quản lý thị trường cần đổi mới phương thức hoạt động, tấn công mạnh hơn vào những "điểm nóng"!

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chiều ngày 11/11.
"Lực lượng Quản lý thị trường cần đổi mới phương thức hoạt động, tấn công mạnh hơn vào những "điểm nóng"!
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại làm việc

Tập trung “tấn công” các điểm nóng, xử lý tận gốc

 

Việc tổ chức lại lực lượng QLTT trên địa bàn cả nước thực hiện theo Quyết định số 34/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổng cục QLTT. Việc xây dựng lực lượng QLTT theo hệ thống ngành dọc đã và đang được Bộ Công Thương tổ chức triển khai nghiêm túc, tích cực và quyết liệt.

 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, lực lượng QLTT đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là yêu cầu mới về việc tổ chức ngành dọc ngày càng chính quy, tập trung tấn công và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

“Trong 1 năm qua, lực lượng QLTT vừa kiện toàn bộ máy, vừa tổ chức nghiệp vụ rất quyết liệt. Lần đầu tiên, lực lượng QLTT đã trung xử lý những vụ việc vi phạm có tổ chức, đặc biệt khu vực động chạm nhiều đến hoạt động tiêu dùng, mua bán thương mại, kể cả trong lĩnh vực thương mại điện tử hay hàng xâm phạm về sở hữu trí tuệ” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Xác định chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT – cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục QLTT tập trung vào công tác chống hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng cục cũng xác định các điểm nóng, cố gắng xác minh cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái.

 

Thực tế, trong thời gian qua, tình hình gian lận thương mại phát triển theo chiều hướng rất tinh vi và phức tạp. Các đối tượng tìm cách hợp thức hóa các sai phạm từ xoay vòng hóa đơn, cắt mác… Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng diễn biến phức tạp mà nổi cộm nhất vẫn là các nhóm mặt hàng thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm; hoá mỹ phẩm; đồ gia dụng.

 

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục QLTT đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái (Quảng Ninh); các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên) và tại TP. Hồ Chí Minh (chợ Bến Thành); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa). Đặc biệt, vừa qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, tạm giữ gần 300 tấn đường cát có dấu hiệu nhập lậu tại Bình Dương.

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên những kết quả đó còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn nội tại của công tác chống hàng giả. Công tác này đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, lực lượng QLTT chưa xây dựng được hệ thống cơ sở báo tin dày dặn và chuyên nghiệp.

 

Ngoài ra, việc đánh giá tình hình thực tiễn của lực lượng QLTT chưa tương xứng, vẫn mang mặt hình thức kiểm tra trên địa bàn, chưa tư duy phối hợp các cục khác nhau để truyền tải thông tin, vì hàng giả không chỉ bán ở 1 địa bàn. Do đó, gây ra hiện tượng bị cắt khúc” – Đại diện Cục QLTT Hà Nội cho hay.

 

Đặc biệt, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp trong nước cũng là trở ngại cho hoạt động của lực lượng QLTT. “Nhiều doanh nghiệp rất chủ động phối hợp với lực lượng QLTT, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả thì sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này” – ông Trần Hữu Linh dẫn chứng.

 

Liên quan đến vụ việc gian lận xuất xứ, nửa năm nay trở lại đây, QLTT đã xử phạt rất nhiều vụ vi phạm. Gần đây nhất, Cục QLTT Hà Nội đã thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm không có hóa đơn chứng từ đang trong quá trình thay đổi tem nhãn thành "Made in Việt Nam". Trong đó, có 16 bao quần áo gắn nhãn thương hiệu NEM. Đặc biệt, ngày 11/11, Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra 5 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả sơ bộ thu giữ hơn 9.000 sản phẩm mang thương hiệu SEVEN.am không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.

 

 

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại buổi làm việc

 

Sẵn sàng “xóa” các đội không nắm vững địa bàn cơ sở

 

Biểu dương những kết quả lực lượng QLTT đã đạt được sau 1 năm thành lập dù bộ máy tổ chức chưa được kiện toàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổng cục cần phát huy tích cực tinh thần đó. Đồng thời, cụ thể hoá việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Các yêu cầu phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu và đánh giá cụ thể.

 

Đối với các vụ việc điển hình đã được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục QLTT cần nghiên cứu sâu, phân tích và rút ra những định hướng và biện pháp, giải pháp để làm tốt trong các vụ việc tiếp theo.

 

Chính các đồng chí làm mới có thể thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng” - Bộ trưởng nói.

 

Cùng với đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng QLTT cần đổi mới cách thức, phương thức QLTT, tập trung đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, chọn những khâu cơ bản trong hệ thống để đánh thẳng. Để làm được điều đó, theo Bộ trưởng cần có kế hoạch tổng thể làm việc với từng đơn vị chức năng trong Ban Chỉ đạo 389, chia sẻ dữ liệu thông tin với các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan hay Tổng cục Thuế…

 

Đối với công chức tại cơ sở, nếu không nắm được địa bàn thì sẵn sàng giải tán các đội tại cơ sở, lập thành các đội cơ động, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục để thực hiện các nhiệm vụ được giao. “Chúng ta phải tổ chức các đoàn làm việc tại địa phương; xây dựng các đề án trực tiếp gắn với các địa bàn cụ thể” - Bộ trưởng yêu cầu.

 

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng cần rà soát, đánh giá lại hoạt động công vụ, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức cho các công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, cần nghiên cứu lại đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng QLTT để tìm ra các sở trường, sở đoản. Đưa ra những phương thức mới trong hoạt động QLTT để đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả.

 

Về phía Tổng cục QLTT, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, do nhu cầu của thị trường thường tăng cao vào dịp cuối năm, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các mặt phục vụ Tết. Cùng với đó, trên các tuyến quốc lộ và tuyến biên giới, Tổng cục QLTT sẽ chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng chốt chặt, kiên quyết chặn đứng hành vi gian lận thương mại liên quan đến thương mại, hàng giả, hàng nhái...

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang