Đối với những doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, làm ăn không chân chính thường có dấu hiệu như: Người tham gia phải đặt cọc, mua hàng hoặc đóng tiền; Chỉ tập trung tìm kiếm người tham gia vào hệ thống nhận “hoa hồng” từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống; Hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn;…
Một số người, nhóm người đã sử dụng hình thức này vào mục đích vụ lợi, họ tìm cách dụ người khác đưa tiền cho mình sau đó tìm cách tẩu thoát và mang theo tiền. Những đối tượng này thành lập doanh nghiệp đa cấp tự phát (không đáp ứng điều kiện theo quy định), sau đó tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ về các chính sách mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những người tham dự. Từ đó, huy động vốn từ các nhà đầu tư bằng cách đưa ra mức lãi suất vô cùng hứa hẹn để đầu tư vào một mô hình kinh doanh sau đó lấy tiền từ họ và trả lãi cho khoản lợi nhuận đầu tiên cho đến khi vụ việc bị phát hiện.
Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cách phòng ngừa đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp.
Qua công tác thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, cơ quan này đã phát hiện Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế (địa chỉ trụ sở chính: Tầng 2, tòa nhà HH-N01 Gold Season, 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) vi phạm các quy định của pháp luật.
Ngày 14/10/2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế số tiền 815 triệu đồng về các hành vi vi phạm sau:
- Không thực hiện đúng thủ tục sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan có thẩm quyền khi có thay đổi thông tin liên quan đến doanh nghiệp.
- Thay đổi mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp nhưng không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia bán hàng đa cấp không đúng với tài liệu giải trình kỹ thuật đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Hoạt động bán hàng đa cấp chưa được Sở Công Thương tỉnh cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
- Yêu cầu người khác phải mua bộ tài liệu khởi động để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp có cỡ chữ nhỏ hơn quy định.
- Không tuân thủ quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký.
- Đào tạo cơ bản trước khi ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, không đào tạo lại sau khi ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của sản phẩm tại trụ sở Công ty thông qua quyển tài liệu về sản phẩm.
- Duy trì nhiều hơn 01 mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng 01 người tham gia bán hàng đa cấp.
Theo các chuyên gia, kinh doanh đa cấp được pháp luật Việt Nam công nhận là hợp pháp, là ngành kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoạt động khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp, căn cứ theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Những doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp cần tập trung chủ yếu vào chức năng bán hàng, không tập trung tuyển dụng: Hoạt động bán hàng của hình thức kinh doanh đa cấp là thông qua hệ thống nhà phân phối. Vì vậy, muốn phát triển mạnh song song với việc bán hàng thì cũng phải tuyển dụng và xây dựng hệ thống nhà phân phối. Tuy nhiên, việc bán hàng luôn phải đặt lên hàng đầu còn việc tuyển dụng chỉ phục vụ nhằm mục tiêu bán hàng.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân khi tham gia vào hoạt động mua, bán hàng đa cấp tại các doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhằm phòng tránh những doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, không bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thu Hằng