Cuộc chiến giằng co giữa hàng authentic (hàng chính hãng) và hàng fake (hàng nhái) dường như chưa bao giờ kết thúc. Trong thời buổi mở cửa, chuyện “vàng thau lẫn lộn” vẫn thường xảy ra. Hàng nhái, hàng giả được bày bán nhan nhản tràn ngập thị trường. Doanh nghiệp thì đau đầu tìm cách bảo vệ bản quyền thương hiệu, còn người tiêu dùng thì lúc nào cũng nơm nớp, lo sợ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Mã vạch – barcode và QR code ra đời phần nào giải tỏa được cơn đau đầu kinh niên ấy. Bây giờ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng đã có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trên tay mình, vừa tiện lợi lại vừa đáng tin cậy. Thế nhưng thực tế lại đang chỉ ra rằng, đó cũng chỉ là một giải pháp tình thế.
Mã vạch cũng có thể bị làm giả
Về mặt kĩ thuật, mã hiệu in trên hàng hóa bao gồm 2 phần: Mã số và mã vạch. Mã số, chữ số phục vụ cho đối tượng cần phân định (doanh nghiệp hoặc khách hàng). Còn mã vạch giúp máy quét điện tử có thể đọc được tín hiệu. Mã vạch là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một quy tắc mã hóa nhất định để thể hiện mã số (hoặc các dữ liệu gồm cả chữ và số) dưới dạng máy quét có thể đọc được. Bên dưới mã vạch là dãy mã số tương ứng.
Một máy in mã vạch được cho là có giá khá rẻ trên thị trường
Về lý thuyết, mã số mã vạch sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất đến được kho dữ liệu mô tả thông tin về sản phẩm. Thế nhưng với những thủ thuật làm nhái, làm giả tinh vi hiện nay, mã vạch cũng có thể bị sao chép giống y hệt. Gian thương có thể nhái mã số, mã vạch một cách dễ dàng khiến cho người tiêu dùng khó có thể phân biệt rõ bằng mắt thường.
Các máy quét mã vạch chỉ làm việc với các ký tự và mã vạch in trên bao bì sản phẩm chứ không thể có khả năng phân biệt hàng giả, hàng thật. Do đó, chỉ cần sao chụp lại mã vạch rồi in ra, dán lên sản phẩm là hoàn toàn có thể qua mắt được máy quét. Khi ấy, máy check mã vạch vẫn sẽ báo kết quả chuẩn về thông tin của sản phẩm ban đầu.
Nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra e ngại khi biết được trên thị trường đang bán nhiều loại máy in mã vạch có giá rất rẻ. Theo đó, chỉ cần scan lại mã của sản phẩm chính, sau đó in ra và dán vào sản phẩm nhái là hoàn toàn qua mắt được máy quét mã vạch.
Một thời gian trước, trên các trang mạng xã hội ở Việt Nam có nhiều bài viết hướng dẫn cách phân biệt hàng nhái Trung Quốc bằng mã vạch. Mặc dù có một số người cho rằng đây là thông tin hữu ích nhưng nhiều cư dân mạng lại chia sẻ rằng cách phân biệt này vẫn có nhiều kẽ hở bởi mã vạch không phải là thứ không thể làm giả.
Thông tin trên một mã vạch
Đặc biệt, hiện nay trên mạng internet có rất nhiều công cụ giúp tạo mã vạch miễn phí. Chỉ với từ khóa “tạo mã vạch” và một cú click chuột, người ta hoàn toàn có thể tìm thấy vô số công cụ tạo mã vạch giả. Việc làm nhái, làm giả mã vạch càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Người tiêu dùng phân biệt ra sao?
Để bảo vệ người tiêu dùng, các nhà sản xuất đã nghĩ ra rất nhiều biện pháp hỗ trợ, thậm chí cung cấp mã để người tiêu dùng vào đăng ký trực tiếp trên website bán hàng chính hãng khi mới mua hàng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng gặp phải rất nhiều khó khăn khi tìm cách “giấu” mã vạch thật kín, buộc phải đưa vào bên trong sản phẩm để tránh bị làm nhái. Điều này lại trở thành một bất tiện lớn cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể, trên thị trường hàng second-hand, đồ cũ, đồ đã qua sử dụng, nguy cơ người tiêu dùng bị lừa vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Mã số mã vạch in trên sản phẩm liệu có giúp người dùng phân biệt được hàng thật hàng giả
Dù công nghệ làm nhái, làm giả đã đạt đến ngưỡng rất tinh vi nhưng vẫn có một số cách giúp người tiêu dùng tự bảo vệ được chính mình, phân biệt rõ thật giả trong cả một biển lớn sản phẩm hàng hóa như ngày nay.
Đầu tiên, khách hàng cần phải lựa chọn được địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người đánh giá là tin cậy. Kinh nghiệm là bạn không nên đặt hoàn toàn sự tin tưởng vào những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ bởi có thể chính họ cũng không nắm được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Bạn cũng nên hạn chế đặt mua hàng qua mạng trừ khi đó là kênh chính hãng hàng hiệu. Rất nhiều website đánh lừa thị giác của người tiêu dùng bằng cách lấy lại ảnh của sản phẩm chính hãng. Khi chưa tận tay kiểm tra hàng, thì nguy cơ mua phải hàng nhái, hàng giả là rất lớn.
Khách hàng cũng nên tinh ý chọn mua những sản phẩm có bao bì, nhãn mác được in ấn và trình bày cẩn thận. Hàng chuẩn thường có vỏ hộp được in ấn rất cẩn thận, rõ ràng và hài hòa về bố cục thẩm mĩ, gần như không bao giờ có lỗi sai.
Ông Trần Văn Vinh - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mã số mã vạch Việt Nam cho biết, năm 2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thí điểm vận hành phần mềm chính thống quét mã vạch trên điện thoại di động và cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm sử dụng mã số mã vạch GS1 theo định hướng phục vụ người tiêu dùng, siêu thị và các đơn vị liên quan. Nếu phần mềm này được sử dụng rộng rãi, nó sẽ trở thành một kênh đáng tin cậy giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Minh Phương