Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:03:22 GMT+7
Lượt xem: 981

Tin đăng lúc 16-03-2023

“Ma trận” thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng lừa người tiêu dùng

Thực phẩm chức năng (TPCN) chứa chất cấm, làm giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, thổi phồng công dụng như thần dược… đang là vấn đề nhức nhối, khiến người tiêu dùng hoang mang như lạc vào “ma trận”.
“Ma trận” thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng lừa người tiêu dùng
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại điểm chứa trữ

Các sản phẩm thu hút được sự quan tâm của khách hàng như thực phẩm làm đẹp, giảm cân, chữa bệnh… khi được rao bán, quảng cáo trên các mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp sản xuất TPCN không đăng ký với cơ quan quản lý mà tự công bố, hoặc lách luật đăng ký với cơ quan quản lý. Khi làm xét nghiệm mẫu chất lượng tốt, nhưng khi sản xuất đưa ra thị trường chất lượng lại không đảm bảo.

 

TPCN giả, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau, từ chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch… và cả ung thư. Nếu như trước đây, TPCN giả, kém chất lượng sản xuất trong nước với quy mô thủ công nhỏ lẻ là chủ yếu, thì nay đã thành quy mô công nghiệp, thậm chí còn sản xuất giả ở nước ngoài và đưa về trong nước tiêu thụ.

 

Thời quan qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, mua bán TPCN giả, vi phạm SHTT, có đợt bắt cả chục tấn nguyên liệu làm giả. Đơn cử như ngày 23/2, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất một căn hộ cao cấp ở khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai (Hà Nội), phát hiện tại đây đang chứa gần 3 tấn nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng. Tất cả đều không rõ nguồn gốc.

 

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã chủ trì, phối hợp Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra đột xuất căn hộ nói trên và phát hiện, tạm giữ gần 1 tấn bao bì, tem nhãn, gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng. Tất cả được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ.

 

Chủ cơ sở, chủ lô hàng là bà N.T.K.A (SN 1991) không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh các loại hàng hóa trên, khai nhận đây là các loại thuốc lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa. Hiện số hàng hóa nói trên đang được tiến hành kiểm đếm và xác minh, củng cố thông tin để xử lý theo quy định pháp luật.

 

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết, đây là một trong vụ việc điển hình của Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử mà lực lượng Quản lý thị trường đang triển khai thực hiện. Lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để xác minh và kiểm tra được đối tượng bởi sự tinh vi trong cách thức giao dịch.

 

Theo đó, lợi dụng sự chặt chẽ trong khâu kiểm soát an ninh tại các căn hộ chung cư cao cấp, các đối tượng đã thuê địa điểm tại đây sử dụng làm nơi tập kết hàng hóa, dùng xe tải để đưa hàng vào thang máy tầng hầm và vận chuyển lên thẳng địa điểm tập kết đã thuê. Quy trình được thực hiện khép kín và thường xuyên thay đổi nơi tập kết để tránh sự chú ý của người dân cũng như sự theo dõi của cơ quan chức năng. 

 

Các đối tượng cũng thường xuyên thay điểm chứa trữ hàng hóa từ nơi này sang nơi khác để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân cũng như cơ quan chức năng. “Thậm chí trong vòng vài giờ, đối tượng đã xóa sạch dấu vết ở địa điểm mà chúng tôi xác định, sau đó chuyển sang một điểm khác, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong xác minh thông tin để kiểm tra, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 chia sẻ.

 

Cũng theo tìm hiểu của lực lượng chức năng, đối tượng thường xuyên sử dụng các căn hộ cao cấp làm điểm tập kết hàng hóa. Mọi thông tin giao dịch đều được thực hiện thông qua mạng xã hội Facebook với tên “Kiều Anh Nguyên (Elly San)” và vận chuyển thông qua ship code nên việc xóa dấu vết rất nhanh.

 

Tháng 11/2022, đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội cũng phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, bắt giữ quả tang một nhóm đối tượng đang sản xuất thực phẩm chức năng tăng, giảm cân giả.

 

Tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa ở địa chỉ tại đường Phú Minh, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm do Nguyễn Văn Hoàng làm chủ. Tại đây, tổ công tác phát hiện Nguyễn Văn Hoàng cùng Nguyễn Đức Hoàn đang đóng hộp một số hàng hóa là thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu CANXI PLUS; TOCA; V3; EXTRAMAN; MOLI; LADY và hộp viên sủi an thần. Toàn bộ hàng hóa đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

 

Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Hoàng khai nhận mua số hàng trên từ một đối tượng có tên Phạm Huy Hiếu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình rà soát, xác định được địa chỉ của đối tượng Hiếu tại xã Liên Giang và triệu tập, di lý đối tượng Hiếu về trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm để giải quyết vụ việc.

 

Theo cơ quan chức năng, việc sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả ngày càng “nở rộ” do lợi nhuận khủng, các đối tượng không cần có cửa hàng, cửa hiệu mà chỉ cần đăng tin trên mạng xã hội, vào các hội nhóm và “chốt đơn” khá dễ dàng.

 

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã liên tục tổ chức ra quân, kiếm tra, kiểm soát các điểm sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng và mạnh tay với các hình thức kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng này.

 

Phương Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang