Thứ Hai, 25/11/2024 11:12:31 GMT+7
Lượt xem: 4446

Tin đăng lúc 04-02-2019

Mâm cơm tất niên chiều 30 Tết: Những giá trị văn hóa được lưu truyền

Bữa cơm tất niên (chiều 30 Tết) có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Họ cùng nhau ôn lại kỉ niệm trong năm cũ và dự định kế hoạch cho năm mới sắp đến.
Mâm cơm tất niên chiều 30 Tết: Những giá trị văn hóa được lưu truyền
Mâm cơm chiều 30 Tết. Ảnh minh họa

Chiều 30 Tết, như thường lệ, người Việt sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên. Đây là một nét văn hóa không thể thiếu mỗi khi Tết đến Xuân về. Theo quan niệm xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn. Cỗ cúng tất niên mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhất thiết phải có đủ bánh chưng, dưa, hành, giò, nem, thịt đông….

 

Hơn nữa, dịp Tết, trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu ngũ quả, các đồ lễ đều phải đẹp, tươi tốt nhất. Tùy từng gia đình mà có thêm câu đối đỏ “gậy ông vải” (thường là 2 cây mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau để hai bên bàn thờ).

 

Sau khi mâm cỗ được sắp xếp đẹp mắt, con cháu cùng nhau kính cáo tổ tiên vừa là để tỏ lòng hiếu thảo, vừa là để mời gia tiên về ăn tết cùng gia đình. Từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ, mà không khí của bữa ăn còn có giá trị tinh thần rất lớn. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương nhau của các thành viên trong gia đình.

 

Tất cả vừa cùng nhau ăn, vừa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một năm đã qua, những niềm vui và cả nỗi buồn, nhớ về người thân đã mất hoặc đang ở xa quê chưa về. Đêm giao thừa của Tết Việt Nam mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là ý thức về nguồn. Chẳng có gia đình nào lại không có một bàn thờ gia tiên, người đang ở xa cũng ngóng về quê hương xứ sở. Bữa cơm tất niên gia đình ấm áp yêu thương là thông điệp gửi đến tất cả các thành viên trong gia đình hãy trân trọng hơn nữa những phút giây quây quần, hạnh phúc bên nhau.

 

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa. Trong bữa tất niên ngày xưa, những người họ hàng còn đến dự và coi đây như một mái ấm của gia đình. Với những ý nghĩa đặc biệt như thế, chúng ta cần phải tôn trọng và phát huy.

 

TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, tùy điều kiện mỗi gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên khác nhau, nhưng phải thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên. Điều quan trọng nhất, sau một năm tất bật, các thành viên hãy gác lại mọi lo toan, hãy tắt Internet để dành thời gian trò chuyện, quây quần trong bữa cơm đặc biệt nhất của năm, bữa cơm của sum họp, gắn kết gia đình.

 

Nguồn VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang