Chủ Nhật, 24/11/2024 09:50:08 GMT+7
Lượt xem: 1182

Tin đăng lúc 24-03-2021

Mạnh tay với hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam

Trong những năm trở lại đây, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại của nhiều thị trường lớn trên thế giới, quy mô xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao... Tuy nhiên, điều này đã khiến việc hàng hóa Việt bị “mượn” xuất xứ để xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi thuế quan cũng ngày càng tăng. Hành vi gian lận này đã khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mạnh tay với hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam
Hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ VN ngày càng tinh vi

Gian lận xuất xứ hàng hóa một nguy cơ cần được cảnh báo

 

Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động quản lý về xuất xứ hàng hóa là vấn đề có tính đặc thù, không chỉ gắn với các FTA mà còn liên quan chặt chẽ đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng như thời gian vừa qua, gian lận xuất xứ hàng hóa đã trở thành một nguy cơ cần được cảnh báo vì khả năng gây thiệt hại không chỉ cho một lô hàng, một doanh nghiệp cụ thể mà còn có thể cho cả một ngành hàng hoặc hoạt động xuất khẩu của đất nước.

 

Bên cạnh đó, thương hiệu “Made in Viet Nam” đã được người tiêu dùng trong nước ghi nhận và thế giới biết đến thì tình trạng hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” nhằm gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng ngày càng nhiều.

 

Cơ quan chức năng ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu tại một chi cục hải quan nhưng xuất khẩu tại một chi cục hải quan khác để tránh việc phát hiện hàng hóa nhập khẩu không trải qua quá trình sản xuất, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định hoặc hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc nhưng khi xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam. 

 

Hoặc có trường hợp trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên tờ khai, bao bì ghi xuất xứ Việt Nam. Hay xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nhưng chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định…

 

Có thể thấy rằng, những hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều với phương thức ngày càng tinh vi đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

 

Đã có chế tài xử phạt mạnh

 

Thời gian qua, để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt, đẩy lùi tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu, các quy định về quản lý về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, xử phạt đối với các vi phạm về xuất xứ hàng hóa đã dần được hoàn thiện.

 

Gần đây nhất là Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (có hiệu lực từ 10/12/2020). Theo đó, tại Điều 17 Nghị định 128 có quy định về xử phạt đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.

 

Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 30.000.000 đồng;

 

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

 

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.

 

Cùng với đó là tịch thu tang vật vi phạm (trừ tang vật vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả); Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm.

 

Có thể thấy, cơ quan chức năng đã có chế tài khá mạnh để xử lý các hành vi giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hoá, nhất là một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn.

 

Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về những ảnh hưởng tiêu cực của hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Thông tin thường xuyên về các vụ việc vi phạm và hình phạt, chế tài đã áp dụng để răn đe các doanh nghiệp có ý định gian lận xuất xứ. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp không tiếp tay cho hàng hóa gian lận xuất xứ…

 

Minh Anh

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang