Tem trái cây: Tự in, tự dán
Để né tâm lý e ngại trái cây Trung Quốc, nhiều tiểu thương buôn bán trái cây tại chợ, cửa hàng đều quảng cáo táo, nho, kiwi… là hàng nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật Bản hoặc Thái Lan. Cũng không ít tiểu thương đóng mác cho nhiều loại trái cây trong nước ở các vùng miền khác thành trái cây đặc sản có giá trị cao đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như cam Vinh, bưởi Phúc Trạch, xoài cát Hòa Lộc… để lòe người tiêu dùng.
Trên thực tế, về hình thức các loại trái cây không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được đặc điểm đặc trưng vốn có, nên phần lớn đều tin vào giới thiệu của người bán và những chiếc tem được dán trên sản phẩm.
Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), có rất nhiều loại trái cây được bán tại đây, hầu hết mỗi loại đều được dán tem. Theo quan sát của PV, cùng 1 loại tem nhưng lại được dán cho hai loại táo khác nhau được người bán gọi là táo Mỹ và táo Newzealand, cạnh đó cùng là cam xoàn của Việt Nam nhưng mỗi trái cũng được dán một loại tem khác nhau. Tìm hiểu tại một địa chỉ cung cấp các loại tem mác nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, người bán khẳng định chỉ cần 200.000 đồng là có một tệp, dán cho khoảng 1000 sản phẩm, thích in kiểu gì cũng có.
“Tùy kích cỡ trái cây mà lựa chọn loại tem phù hợp. Dưa lưới cần dán tem tròn, có cả mã QR code, táo thì dùng loại bình thường có dãy mã số mã vạch, còn các loại trái cây nhỏ như kiwi thì dùng loại hình bầu dục… Cứ mua về dán, khách nhiều khi chỉ cần thấy có tem là mua mà người bán lại được giá”, người này tư vấn.
Cũng theo chủ cửa hiệu in ấn tem mác, nếu trái cây nhập khẩu thì đã có sẵn tem, chỉ những loại trái cây mua buôn ở chợ đầu mối về người bán mới cần tem để “trang trí”. Việc dán mác cho trái cây diễn ra khá phổ biến, dù nó không thể hiện là sản phẩm đó có xuất xứ từ đâu nhưng đối với nhiều người tiêu dùng, trái cây có dán tem sẽ được tin tưởng hơn cả, vì thế đây cũng là kẽ hở để các tiểu thương lợi dụng để nhập nhèm.
Chỉ có truy xuất nguồn gốc mới rõ xuất xứ trái cây
Tem trái cây có mã số để người tiêu dùng kiểm tra thông tin của sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều trái cây dán tem nhãn mác nhập khẩu từ Úc, Mỹ,… nhưng kiểm tra bằng phần mềm chuyên dụng truy xuất nguồn gốc thì không ra kết quả.
Người tiêu dùng nên lựa chọn trái cây tại các cơ sở kinh doanh uy tín, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong khi đó, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hoa quả bán lẻ ngoài chợ hay siêu thị, việc dán tem xuất xứ là không bắt buộc. Dán tem ngoại chỉ là hình thức lòe người tiêu dùng. Do đó, không nên quá tin vào tem dán trên trái cây, bởi nó không thể đảm bảo chính xác nguồn gốc hàng hóa.
Với một số người tiêu dùng có tham khảo vấn đề tem mác cũng như nắm vững giá cả các loại hoa quả nhập khẩu, hoa quả trong nước cũng như hàng Trung Quốc, thì tem mác từ lâu không còn ý nghĩa với họ nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm đến độ tin cậy và tính chất của các loại tem mác. Một số loại tem được dán vào trái cây cũng chỉ là “cái mác” để người mua yên tâm, còn nguồn gốc ra sao thì chỉ người bán mới biết chính xác.
Nhiều loại trái cây được dán tem tích hợp cả mã số mã vạch. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đắc Minh, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), mã số, mã vạch thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu mã số, mã vạch. Vì thế, mã số, mã vạch chỉ cho biết thông tin quyền sở hữu mã số, mã vạch, chứ không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ. “Các mã vạch trên hoa quả trong siêu thị như mã vạch của Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản... tức là các chủ sở hữu nhãn hiệu đó ở Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản… chứ không thể hiện hoa quả đó nhập ở đâu. Quả táo có thể mang nhãn ở Mỹ nhưng có thể có xuất xứ từ Trung Quốc" - ông Nguyễn Đắc Minh lấy ví dụ.
Vì thế, để xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc.
Nguồn VietQ