Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vẫn đang tiếp tục diễn ra với mức độ nghiêm trọng, khó lường ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Dệt May, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Làn sóng di cư lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về các tỉnh dẫn đến dịch bệnh lan rộng ra cả nước. Từ ngày 24/7/2021, Hà Nội cũng phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Được sự cho phép của cấp chính quyền địa phương, May 10 vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp tiến độ giao các đơn hàng xuất khẩu. Song để đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch, May 10 đã thực hiện các chỉ thị của cấp trên, các hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện quyết liệt không có ngoại lệ, không nương tay, đặc biệt là truy vết. CBCNV đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp 5K. Hiện nay tình hình vẫn trong vòng kiểm soát. May 10 đang thực hiện phương án “một cung đường 2 điểm đến”, do đó thật may mắn toàn thể đội ngũ được bảo toàn.
Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, vaccine vẫn là "chìa khoá". Lãnh đạo May 10 đã chủ động tìm nguồn vắc xin để tiêm kịp thời cho người lao động. Hiện 90% lao động May 10 Hà Nội đã tiêm một mũi vaccine nhưng lao động May 10 tại Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Bình, Bắc Ninh vẫn chưa được tiêm vaccine. Tiếp cận nguồn vaccine tại các tỉnh nguy cơ thấp hơn rất khó.
Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động logistics, sự tắc nghẽn của mạng lưới vận tải đường biển, chiếm 80% khối lượng vận tải toàn cầu, đang tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng. Giá cước vận tải tăng khiến cả hai bên cung ứng và sản xuất đứng trước những lựa chọn khó khăn. Bên cạnh đó, sự tắc nghẽn trong luân chuyển hàng hóa tại tất cả các khâu làm chu kì sản xuất dài hơn. Nguyên nhân chính là nhu cầu hàng hóa tăng đột biến khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, khi ở nhà nhiều hơn, nhu cầu chuyển từ tiêu dùng dịch vụ sang tiêu dùng hàng hóa.
Tình trạng trên càng kéo dài, hậu quả với chuỗi cung ứng toàn cầu càng nghiêm trọng. Sẽ có nhiều công ty thay đổi lựa chọn nhà cung ứng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển từ offshoring (rất xa) sang nearshoring (về gần), giảm hạn chế vào các nhà cung cấp từ phía bên kia đại dương. Dẫn đến thách thức rất lớn với ngành Dệt May.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, TCT đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, tăng cường phòng chống dịch Covid-19 và tập trung thực hiện kế hoạch SXKD hàng tháng, hàng quý.
Không chỉ thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn đội ngũ, đảm bảo công việc và thu nhập cho gần 12 nghìn người. May 10 còn tiếp tục đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất một số Công ty, Xí nghiệp thành viên. Đặc biệt với sự ra đời của 2 XN chi nhánh May 10 tại Hà Tĩnh và Thái Nguyên trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Lãnh đạo để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững của May 10 trong tương lai.
Người lao động sẵn sàng chung tay cùng doanh nghiệp phòng chống dịch
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Tổng Công ty May 10 cũng như các đơn vị khác trong ngành vừa làm việc, vừa theo dõi sát tình hình thực tế để lên các phương án sản xuất cho các tình huống khác nhau: Truy vết, cách ly, giãn cách (nếu có), chuẩn bị các phương án nghỉ 50% lao động, làm việc 3 tại chỗ, nghỉ hẳn nếu dịch bùng phát…
Để sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, bên cạnh việc tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, May 10 vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Đặc biệt là phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine (mũi 2 tại Hà Nội) tiến tới toàn bộ người lao động tại 7 tỉnh thành phố có các nhà máy của May 10 đang hoạt động.
Tại May 10 chúng tôi luôn nêu cao tinh thâng mỗi người lao động là một “chiến sĩ”, và doanh nghiệp lại là một “pháo đài”. Nếu thực hiện tốt việc này, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo duy trì được sản xuất kinh doanh, mà còn giúp Chính phủ trong công tác phòng chống dịch.
Công tác từ thiện chống dịch: Việc chung tay đóng góp của các DN để hỗ trợ cộng đồng, nhất là có kinh phí mua vaccine là hết sức cấp thiết. May 10 đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để đồng hành trong công tác phòng chống dịch. May 10 cũng là đơn vị tham gia đóng góp rất tích cực vào Quỹ Vắc-xin của Chính phủ, TP Hà Nội và các tổ chức xã hội trên địa bàn hoạt động của DN. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay May 10 cũng đã thực hiện chuỗi hoạt động ủng hộ công tác phòng chống dịch tại các địa phương bao gồm: Trao tặng hơn 350.000 chiếc khẩu trang phòng dịch và 3.000 bộ đồ phòng dịch. Tổng giá trị trao tặng, ủng hộ là hơn 550 triệu đồng. Bên cạnh đó , May 10 ủng hộ 2 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, ủng hộ vào quỹ Xã hội từ thiện gần 500 triệu đồng. Thông qua các hoạt động phòng dịch mạnh mẽ, May 10 luôn nỗ lực bảo vệ sức khỏe của người lao động và người dân địa phương, đồng thời đảm bảo ổn định sản xuất, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
PTT & TT