PV: Trước những khó khăn trên, May 10 đã đối phó như thế nào để giữ được chân người lao động?
TGĐ Thân Đức Việt: Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt. Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong xã hội. Ngành Dệt May trên thế giới và TCT May 10 nói riêng đã chịu những tác động không hề nhỏ lệ trong vòng xoáy đó.
Ngành Dệt May Việt Nam vốn đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lại tiếp tục bước vào năm 2020 với những sự thay đổi liên tục, không thể dự báo trước do đại dịch Covid-19. Thứ nhất, nguồn cung cấp nguyên phụ liệu với nhiều đối tác phần lớn ở Trung Quốc đã đột ngột đứt gãy. Khi đã lo được vấn đề nguyên liệu, doanh nghiệp lại phải đối mặt với cú sốc thứ hai, hàng loạt nhà nhập khẩu lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cùng nhiều nước khác đồng loạt xin hoãn hoặc hủy đơn hàng, chậm thanh toán. Làm thế nào để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp đủ việc làm cũng như đảm bảo thu nhập cho hàng vạn người lao động? Đó là bài toán khó mà chúng tôi phải tìm nhiều lời giải khác nhau trong suốt thời gian qua.
Với khoảng 12.000 người lao động, để đảm bảo cho không ai bị mắc Covid-19 thật sự rất khó khăn, bởi chỉ cần một người bị nhiễm, thì cả nhà máy phải cách ly, gãy nhịp sản xuất, đơn hàng không kịp dịch chuyển sẽ bị phạt hợp đồng. Nhưng cái khó hơn nữa là làm thế nào để trong tình hình tắc nghẽn từ nguyên liệu cho đến đơn hàng và rồi cả nguồn tiền lưu động, vẫn duy trì sản xuất, trả lương cho công nhân? Chúng tôi đã phải đôn đáo chạy khắp nơi để tìm nguồn hàng sản xuất thay thế cho những mặt hàng truyền thống như veston, sơ mi. Dường như cứ cái gì có thể cho vào máy may được là May 10 nhận làm hết: May khẩu trang; bộ đồ phòng dịch;, may đồ dùng trong gia đình… Sáng tạo linh hoạt nguồn hàng đã giúp May 10 vượt qua được cả hai làn sóng Covid-19 ập vào Việt Nam. Bên cạnh đó là một loạt giải pháp căn cơ được May 10 áp dụng, như rà soát mọi khâu trong sản xuất, kinh doanh nhằm triệt để tiết kiệm, không lãng phí dù là một đoạn chỉ, mẩu vải, tận dụng công nghệ 4.0 để quản trị thông minh, hiệu quả nhanh chóng và giảm thời gian ra quyết định; tận dụng nguồn lực cốt lõi là sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ người lao động, ai cũng kiên định và sẵn lòng sẻ chia khó khăn khi tương lai các doanh nghiệp dệt may là rất khó đoán định. Ban lãnh đạo nỗ lực đã tạo nên một không khí sục sôi chiến đấu, tất cả vì sự sống còn của May 10, vì cuộc sống của mỗi gia đình CBCNV.
PV: Nếu tình hình Covid 19 trên thế giới vẫn chưa được khống chế thì May 10 sẽ có những phương án gì để tiếp tục duy trì sản xuất trong thời gian tới đây và những năm sau đó, thưa ông?
TGĐ Thân Đức Việt: Năm 2020, xã hội dùng khái niệm “bình thường mới” để chỉ hàng loạt những thay đổi về mọi mặt đời sống mà người dân phải làm quen trong đại dịch Covid-19. Còn “bình thường mới tại May 10”, có nghĩa là nếu trước kia chúng tôi lập kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm, thì bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đón nhận lô hàng khẩu trang do Tổng công ty May 10 tặng phòng tránh dịch
Covid-19
Ban điều hành và toàn thể CBCNV May 10 vừa phải lo sản xuất kinh doanh, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, với mục tiêu không để ca bệnh Covid-19 nào xuất hiện ở May 10, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với May 10, nếu đại dịch Covid-19 chưa được khống chế thì mặt hàng khẩu trang và trang phục bảo hộ vẫn là cứu cánh. Tuy nhiên theo nhìn nhận của tôi, những mặt hàng này chỉ là “hàng nóng” nhất thời. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả ngắn và trung hạn, chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để người lao động được sản xuất các sản phẩm truyền thống, các mặt hàng là thế mạnh làm nên thương hiệu May 10, tương xứng với sự đầu tư công nghệ và thiết bị.
Song song với việc nỗ lực khôi phục thị trường xuất khẩu, May 10 đã và đang tiếp tục mở rộng việc khai thác thị trường nội địa có quy mô gần 100 triệu dân. Hiện tại, sản phẩm của May 10 được bán tại khoảng 200 cửa hàng, đại lý trên cả nước, cùng hệ thống 6 Trung tâm thời trang May 10 Centurion Group ở Hà Nội - Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng, bên cạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp theo phương pháp bán hàng truyền thống, May 10 còn có đẩy mạnh bán hàng trên các trang thương mại điện tử để khách hàng mua sắm online nhanh chóng và thuận tiện.
PV: Theo ông, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) mà chúng ta mong đợi đã được ký kết, có cứu cánh được gì cho các DN Dệt May?
TGĐ Thân Đức Việt: Cùng với Hiệp định CPTTP, sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/08/2020. Đây là cánh cửa lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong ngành Dệt May để được hưởng mức ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường này. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn và lâu năm của May 10.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành... thì không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải tự vươn lên, thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo năng lực sản xuất, chú trọng nguồn nhân lực, yếu tố môi trường và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
PV: Điều gì ông cảm thấy trăn trở nhất trong quá trình điều hành sản xuất thời gian qua và điều mong đợi nhiều hơn trong năm tới là gì?
TGĐ Thân Đức Việt: Thời gian vừa qua, bản thân tôi và tập thể hàng chục nghìn con người May 10 đã thực sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen… Với 23 năm gắn bó với May 10, điều tôi trăn trở nhất kể từ khi trở thành Tổng Giám đốc May 10 là làm sao để giữ gìn tốt nhất những thành quả, giá trị cốt lõi mà các thế hệ trước đã dày công tạo dựng và tìm ra những hướng đi đột phá mới để giúp doanh nghiệp ổn định trong giai đoạn hiện nay và ngày càng phát triển bền vững trong tương lai.
May 10 đã tích lũy được nền tảng với nhiều giá trị cốt lõi để trở thành một thương hiệu dệt may hàng đầu tại Việt Nam. Với 18 đơn vị thành viên tại 07 tỉnh thành trong cả nước, May 10 khẳng định được tiềm lực và vị thế dẫn đầu của mình ngay cả trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng. May 10 đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng lớn trên thế giới, ngày càng mở rộng mạng lưới xuất khẩu. Trong thời gian tới, May 10 sẽ tiếp tục phát triển phát triển các dòng sản phẩm thời trang cao cấp mang tính đột phá cả về kiểu dáng, chất liệu, công nghệ nhằm cạnh tranh với các thương hiệu thời trang ngoại nhập.
Chúng tôi đã đặt ra tầm nhìn mục tiêu trong chiến lược phát triển của mình. Đến năm 2025, May 10 sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế đa quốc gia, thương hiệu thời trang quốc tế với mô hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ; trong đó thiết kế, sản xuất kinh doanh sản phẩm may mặc là lĩnh vực hoạt động cốt lõi; cung cấp những sản phẩm thời trang chất lượng cao, thân thiện với môi trường với phong cách thiết kế riêng biệt, sang trọng, hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi đang xây dựng chiến lược để mở các showroom mang thương hiệu May 10 tại một số nước trên thế giới.
PV