MagicScroll sở hữu một màn hình cảm ứng dẻo, xoay quanh phần thân dạng ống xilanh, được làm bằng công nghệ in 3D và có thể kéo ra để tạo hình ảnh hiển thị phẳng. Được mô phỏng lại theo hình dạng của những cuộn giấy cổ, màn hình của MagicScroll còn được cuộn quanh ống, và khi kéo ra sẽ có dạng phẳng, rộng khoảng 7.5 inch. Các nhà nghiên cứu còn lấy cảm hứng từ hộp đựng danh thiếp rolodex – một dụng cụ giúp người dùng tìm các thẻ danh bạ gắn trên một lõi hình ống, người dùng sẽ chỉnh hai bánh quay ở hai bên lõi cho đến khi thẻ cần tìm hiện ra. Tương tự như vậy, nếu muốn thực hiện cuộc gọi với MagicScroll, người dùng chỉ cần cuộn màn hình lại thành dạng ống. Theo nhóm phát triển, dạng ống cuộn sẽ thích hợp với việc cầm nắm bằng một tay, nhất là khi nghe gọi điện thoại. Ngoài ra, màn hình cũng có thể dễ dàng được kéo phẳng để hiển thị toàn cảnh bao quát hơn.
Màn hình độ phân giải 2K giúp cho MagicScroll có khả năng hiển thị hình ảnh hay video cực kỳ rõ nét và sinh động. Theo nhóm chế tạo, bản nguyên mẫu của MagicScroll có kích thước nhỏ gọn vừa để đút túi và dễ cầm nắm bằng một tay, thuận tiện hơn hẳn so với một chiếc máy tính bảng thông thường. Giống với rolodex, MagicScroll cũng được gắn hai bánh quay ở hai đầu, cho phép người dùng lướt qua các địa chỉ liên lạc chỉ bằng thao tác quay. Bên cạnh chức năng truy cập mạng xã hội và nghe gọi, các nhà nghiên cứu tin rằng chiếc máy tính bảng còn có thể hoạt động như một máy ghi âm hay thiết bị điều khiển (giống như chuột, bút stylus, v.v)
Các nhà phát triển đã lấy cảm hứng từ những cuộn giấy thời cổ đại, bởi hình dạng của chúng đem lại trải nghiệm tự nhiên và liền mạch, trong khi các bánh quay cho phép thực hiện thao tác cuộn để tua nhanh danh sách dài cần hiển thị. Hay như nếu muốn xem chi tiết về đối tượng được chọn trong danh sách, người dùng chỉ cần kéo dãn màn hình ra. Ngoài ra, MagicScroll cũng sở hữu một camera được điều khiển bằng cử chỉ tay giống như Wiimote của Nitendo. Các bánh quay còn được gắn với những bộ truyền động điện tử, giúp cho màn hình tự động di chuyển ra vào, tùy theo từng trường hợp, chẳng hạn như khi cần hiển thị thông báo. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể dựng được một phiên bản khác nhỏ gọn hơn với kích thước chỉ bằng một chiếc bút.
Không chỉ có MagicScroll, Human Media Lab cũng đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các thiết bị có màn hình dẻo như “Reflex” – thiết bị sử dụng “cảm biến bẻ cong” điều khiển các tương tác với ứng dụng và kích thích vật lý thông qua các rung động, hay “TeleHuman2” - máy chiếu 3D cho phép người dùng như đang nhìn thấy đối tượng ở đầu dây bên kia, ngay trước mắt, được hứa hẹn sẽ hỗ trợ đắc lực cho các “hội nghị qua video” (video conference), trong đó người tham dự có thể nhìn thấy hình ảnh 360 độ của các diễn giả trong suốt cuộc gọi.
Theo Khoa học phát triển