Theo thông tin từ Brazil, Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì các chính sách trợ giá để bảo hộ ngành mía đường trong nước dưới nhiều hình thức, từ hỗ trợ công khai bao gồm: Kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu… tới hỗ trợ không chính thức như: Hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm); tài trợ nợ vay; trợ cấp đầu vào; hỗ trợ gián tiếp dài hạn… Thái Lan thưc hiện chương trình hỗ trợ chuyển đổi vùng nguyên liệu từ trồng gạo sang mía trị giá 615 triệu USD.
Đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đường của Thái Lan duy trì ở mức 65% (còn tại Việt Nam là 25 - 40%). Các chính sách của ngành mía đường Thái Lan đặc biệt tập trung vào việc đảm bảo cơ chế trợ cấp với nông dân và bảo hộ thương mại đối với doanh nghiệp. Chính phủ Thái Lan cũng áp dụng các chính sách thúc đẩy sản xuất điện sinh khối từ bã mía nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Người tiêu dùng Thái Lan phải tiêu thụ đường giá cao hơn người tiêu dùng Việt Nam (khoảng 23,5 bath/kg, hơn 16.000 đ/kg – giá bán tại nhà máy) để ngành đường Thái Lan phát triển và triệt tiêu ngành mía đường các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Thái Lan còn trợ giá trực tiếp cho người tiêu dùng 12-40% khi dùng xăng sinh học E15-E20 sản xuất từ mía; trợ cấp hệ thống trạm xăng phân phối giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu.
Với những chính sách bảo hộ, sản lượng đường trong nước của Thái Lan đã tăng mạnh từ mức 06 triệu/tấn lên 11 triệu/tấn từ năm 2000 đến 2016. Những can thiệp hỗ trợ của chính phủ Thái Lan đã giúp Thái Lan phát triển và vươn lên đứng thứ 2 thế giới về sản xuất mía đường (sau Brazil).
Thái Lan sẽ xóa bỏ hệ thống trợ cấp hạn ngạch kéo dài 30 năm qua và thả nổi giá đường nội địa từ cuối năm 2017 để tránh bị Brazil kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nói là xóa bỏ cơ chế hạn ngạch, chính phủ Thái Lan sẽ thay thế bằng kho dự trữ. Về bản chất không có gì thay đổi so với trợ cấp hạn ngạch, đó chỉ là sự thay đổi về tên gọi, từ hạn ngạch sang “dự trữ đệm”. Chính phủ Thái Lan vẫn có thể phân bổ hơn 2 triệu tấn đường/năm cho tiêu dùng nội địa.
Có thể nói, những chính sách của Thái Lan đối với ngành mía đường đang có tham vọng bá chủ không chỉ khu vực châu Á mà còn trên toàn thế giới. Nó không chỉ khiến ngành mía đường ở các nước châu Á như Việt Nam đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” mà còn khiến “anh cả” của ngành mía đường là Brazil đứng trước cơn bão sụt giảm hạn ngạch xuất khẩu mạnh.
Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của Thái Lan khiến cho chúng ta phải đặt ra câu hỏi, liệu có công bằng không khi “mở cửa” cho một nước đang bị cáo buộc vi phạm hiệp định thương mại quốc tế WTO tràn vào thị trường mía đường Việt Nam với thuế xuất bằng 0 sau khi hiệp định ATIGA thực thi vào ngày 1/1/2018 tới?
Các doanh nghiệp mía đường Việt Nam phải tự đưa vốn tự có, hoặc vay vốn ngân hàng theo lãi suất thương mại để đầu tư cho nông dân; không được vay vốn ưu đãi khi đầu tư thiết bị, công nghệ mới; không được chính phủ hỗ trợ giống mới, phân bón, giao thông nội đồng, thủy lợi… như các doanh nghiệp mía đường của Thái Lan được hưởng từ chính phủ của họ. Tất cả các chi phí về lãi vay, đầu tư sửa chữa đường giao thông nội đồng để vận chuyển mía… phải tính vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.
Để chuẩn bị hội nhập, sau khi Nhà nước thoái hoá vốn trong một vài năm gần đây thì các doanh nghiệp mía đường Việt Nam bắt đầu đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị mới để tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đầu tư giống mới, phân bón, hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường. Có thể nói, để trụ vững cho đến ngày nay, ngành Mía đường Việt Nam đã hết sức cố gắng và tạo được vị thế riêng. Thế nhưng, trong thời điểm “hội nhập”, e rằng mía đường Việt Nam không còn “ngọt ngào” cho lắm nếu như để đường Thái “đá bay” đường Việt.
Thiết nghĩ, trong thời gian ngành mía đường Thái Lan đang đứng trước nguy cơ bị kiện lên WTO, Chính phủ Việt Nam nên tạm thời chưa mở cửa hoàn toàn thị trường đường cho Thái Lan, hạn chế hạn ngạch nhập khẩu đường từ Thái Lan, đồng thời hỗ trợ nông dân trồng mía và các doanh nghiệp mía đường trong nước tập hợp các chứng cứ pháp lý về việc ngành mía đường Thái Lan vi phạm các quy định của WTO để buộc ngành đường Thái Lan vận hành theo đúng quy định thương mại quốc tế, tạo “sân chơi” công bằng cho việc cạnh tranh giữa ngành Mía đường Việt Nam với các nước khác, đặc biệt Thái Lan trong thời kì hội nhập quốc tế.
Khó khăn của ngành mía đường nói riêng cũng chính là nguy cơ bất ổn với kinh tế, xã hội và đời sống của gần 4 triệu người lao động nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hơn lúc nào hết ngành mía đường Việt Nam hiện nay đang rất cần được Chính phủ quan tâm, ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ nông dân trồng mía, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam có đủ thời gian để phát triển, đủ sức cạnh tranh với ngành mía đường các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.
Long Trọng