Dự án nhằm mục đích góp phần thu hẹp khoảng cách số, khơi dậy niềm đam mê, phát triển những kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính, tư duy điện toán, ứng dụng CNTT cho thanh thiếu niên thông qua việc xây dựng bộ tài liệu mới, tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên, học sinh và thanh thiếu niên ở những vùng khó khăn.
Khởi điểm, trong vòng 12 tháng tới, dự án sẽ hướng đến xây dựng một chương trình dạy học khoa học máy tính và CNTT ở bậc THCS và tổ chức dạy thí điểm vào giờ ngoại khóa ở một số trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn một số tỉnh/thành phố. Thông qua các hoạt động đào tạo, dự kiến hơn 300 giáo viên và khoảng 50.000 học viên sẽ được tiếp cận với các nội dung CNTT và khoa học máy tính với phương pháp học tập tích cực, sáng tạo. Sau khi triển khai thí điểm, địa bàn triển khai dự án sẽ được mở rộng ra các tỉnh thành khác trên toàn quốc trong các giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, với định hướng tăng cường kỹ năng và năng lực CNTT-TT thanh thiếu niên, đồng thời bổ trợ cho chương trình môn Tin học chính khóa, dự án xây dựng các bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên và dạy cho học sinh theo hình thức modun, tập trung vào tính ứng dụng và hướng dẫn học sinh giải quyết giải quyết một số bài toán ứng dụng căn bản, cụ thể phục vụ học tập và cuộc sống cũng như các kiến thức khoa học máy tính ở mức độ trực quan, dễ làm, dễ ứng dụng, phù hợp với điều kiện dạy và học môn Tin học ở từng trường.
Ngoài ra, một điểm mới nữa của Dự án này là chương trình bồi dưỡng giáo viên sẽ được xây dựng thành các bài giảng e-Learning và truyền tải qua cổng Đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Bộ GD&ĐT. Với hình thức này, không chỉ những giáo viên trong khuôn khổ Dự án mới được tiếp cận nội dung bồi dưỡng của Dự án mà tất cả các giáo viên dạy môn Tin học trên cả nước đều được tiếp cận bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ nơi đâu.
Từ năm 2012-2016, Microsoft Việt Nam đã phối hợp với Vietnet-ICT và các đối tác thực hiện các chương trình Đào tạo CNTT và các kỹ năng ứng dụng CNTT trong tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp tới gần 10 nghìn thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, các bạn thanh thiếu niên khuyết tật hoặc ở các vùng xa ít có cơ hội tìm hiểu và ứng dụng CNTT trong công việc. Sáng kiến “Đào tạo CNTT và Sáng kiến khởi nghiệp cho thanh niên” trong suốt bốn năm triển khai đã thực hiện thành công các khóa đào tạo Mini MBA, hoạt động khởi nghiệp, lớp đào tạo kỹ năng tin học cơ bản và nâng cao, chương trình ứng dụng CNTT trong tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp. Đồng thời, chương trình còn hỗ trợ hơn 60 nghìn thanh thiếu niên tiếp xúc với Khoa học máy tính thông qua chiến dịch Giờ lập trình.
Theo Lâm Thảo/báo Nhân dân điện tử