Nỗi đau vì đặc sản Việt thành vô danh
Khoảng năm 2004, chị Ong Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác hải sản, chế biến nước mắm Thanh Hà - lần đầu tiên chủ động tham gia các hội chợ quốc tế, giới thiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc của gia đình.
Đau đớn nhất, khi mới ra nước ngoài xúc tiến thương mại thì thấy thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam bị người Thái công khai sử dụng. Thời điểm đó, tất cả nước mắm nhãn hiệu Phú Quốc đều được ghi “Made in Thailand” hết. Thậm chí, họ viết hẳn tiếng Việt trên nhãn chai nước mắm và còn viết sai chính tả.
Rất may, Phú Quốc sau này đã làm bảo hộ chứng nhận xuất xứ tại châu Âu nên tình trạng trên đã giảm bớt nhưng vẫn còn.
Ngoài ra, các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như phở hay gỏi cuốn thì người Thái Lan đều sản xuất trước mình. Họ làm thành dạng “Ready to cook”, “Ready to eat” cho người tiêu dùng có thể nấu hoặc ăn luôn trong khi dùng lại chính các sản phẩm Việt.
Trong câu chuyện tương tự khác, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group - cho biết, tín đồ cà phê thế giới biết đến Columbia hay cà phê nổi tiếng của gia tộc Lavazza (Ý) nhưng họ không hề biết rằng, 70% lượng cà phê của Lavazza mua từ Việt Nam.
Theo ông Thông, DN Việt Nam còn thụ động trong việc “xách balo lên” và đi khám phá thế giới, học hỏi kinh nghiệm từ phương thức sản xuất cho tới cách làm thương hiệu tại quốc gia phát triển. Khi các DN đi ào ào thành đoàn thì chỉ như đi du lịch hay shopping ở nước bạn chứ đừng nói đến tìm hiểu cụ thể, xúc tiến làm ăn với đối tác.
Kinh tế gia vị, cuộc chơi 19 tỷ USD
Tại tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn nhà kinh doanh” mới diễn ra, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - thông tin, thị trường xuất khẩu gia vị chế biến của thế giới đang có giá trị khoảng 19 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu gia vị đạt 15-20%.
Không dừng lại ở dạng thức nguyên bản, Vương quốc mắm Châu Đốc (An Giang) đang xuất khẩu bột mắm cá sặc cho nhiều công ty sản xuất đồ hộp của Thái Lan. Họ mua bởi không có loại mắm nào đặc trưng như vậy, sau đó, họ pha thành nước sốt sệt sử dụng trong các hộp cá ăn liền. Đây đang là nguồn xuất khẩu rất lớn của An Giang.
“Các loại gia vị sẽ được đưa vào nhà máy, thành phẩm đựng trong các chai, lọ cho người tiêu dùng. Gia vị rồi sẽ là ngành kinh tế lớn của Việt Nam”, bà Hạnh nhận định.
Cùng quan điểm, CEO Dh Foods - ông Nguyễn Trung Dũng khẳng định, cuộc chơi cho gia vị Việt vẫn có “cửa”. Khi sang Thái Lan dự hội chợ, ông thấy “choáng” vì các gian hàng của họ làm quá tốt, quá bắt mắt. Nhưng khi nếm gia vị Thái, ông Dũng nhận thấy gia vị của Việt Nam còn cơ hội vì ngon hơn và thật hơn.
Người tiêu dùng châu Âu đang rất chuộng thực phẩm vùng miền chứ không phải thực phẩm đại trà, họ tính giá rất cao các sản phẩm vùng miền mang bản sắc riêng nhưng được sản xuất công nghiệp và sản xuất theo công thức tự nhiên. Cần dùng nguyên liệu tự nhiên, không dùng hóa chất hay thêm hương liệu. Đây là tương lai của gia vị Việt Nam.
Với công thức trên, DN của ông Dũng đã lên kệ siêu thị các gia vị như chẩm chéo, mắc mật, mắc khén, hạt dổi... Mỗi tháng, 1 container muối tôm được xuất khẩu sang Nhật Bản hay mắm ruốc đi tới Đức, Hà Lan, Mỹ bán cho người tiêu dùng bản xứ.
Tuy nhiên, nếu các công ty sản xuất gia vị Việt xác định dùng hóa chất, hương liệu thì sẽ thua người Thái bởi họ đi trước chúng ta cả chục năm và giỏi hơn ta rất nhiều.
Trong khi đó, đại diện Công ty nước mắm Thanh Hà mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chú trọng gắn ẩm thực đi đôi với văn hóa và kết hợp với du lịch. “Ẩm thực - Văn hóa - Du lịch” là bài mà các nước đã làm rất thành công như Thái Lan, Hàn Quốc. Thông qua văn hóa, du lịch để bán sản phẩm truyền thống. Du khách quay về nước sẽ tới nhớ các món ăn, gia vị Việt khi bắt gặp ở các quầy siêu thị.
Ông Phan Minh Thông đưa ra lời khuyên cho các DN là hãy kiên nhẫn. Kiên nhẫn với giấy tờ, với tiêu chuẩn, với đòi hỏi của thị trường các nước phát triển trên thế giới.
Một dẫn chứng điển hình, trong 5 năm gần đây, châu Âu đang làm cho các công ty phải khiếp sợ với các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Năm 2015, tiêu chí kiểm tra khoảng 120 chất thì nay họ yêu cầu kiểm tra 820 chỉ số của riêng hạt tiêu nhập khẩu vào EU. Nhưng hãy kiên nhẫn thực hiện, điều này sẽ giúp DN lớn hơn và phát triển bền vững.
Theo Vietnamnet.vn