Tận dụng thế mạnh của từng địa phương
Năm 2025 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế đất nước nói chung, với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Nhưng cũng chính trong thử thách ấy, cộng đồng doanh nghiệp lại nhận thấy rõ hơn giá trị của sự liên kết, giao thương, tạo niềm tin và khát vọng cùng nhau phát triển.
TP Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế khi có đầy đủ 5 loại hình giao thông. Sau hợp nhất, TP Hải Phòng mới có tổng số 61.000 doanh nghiệp. Còn tỉnh Thanh Hóa với hơn 43.000 doanh nghiệp, cũng là địa phương có nhiều dư địa phát triển về công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù vị trí địa lý của hai tỉnh, thành phố tạo ra sự khác biệt về thế mạnh đầu tư cũng như sản phẩm hàng hóa song đó lại là cơ hội để trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai địa phương chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Để kết nối các doanh nghiệp hai địa phương này, mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp TP Hải Phòng và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và kết nối giao thương Thanh Hóa – Hải Phòng. Việc tổ chức hội nghị này không chỉ là một hoạt động xúc tiến thương mại mà còn là minh chứng cho sự gắn kết chiến lược, nơi hội tụ của tầm nhìn, hành động của doanh nghiệp hai địa phương.
Ông Trần Văn Thắng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hải Phòng chia sẻ, năm 2024, TP Hải Phòng đã dẫn đầu cả 3 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS. Điều đó đã nói lên tiềm năng thế mạnh của Hải Phòng, nói lên sự đồng hành trong thu hút đầu tư của chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Thắng, Hải Phòng và Thanh Hóa đều là hai tỉnh, thành phố lớn của cả nước. Về mặt vùng miền, Hải Phòng nằm ở vùng Duyên hải Bắc bộ, Thanh Hóa cũng là một tỉnh Bắc bộ nhưng giáp với Trung du miền núi, Bắc Trung bộ, do vậy tạo sự khác biệt. Đây là cơ hội rất tốt để trao đổi hàng hóa giữa TP Hải Phòng với Thanh Hóa. Bên cạnh đó, giao thông đi lại giữa hai địa phương rất thuận tiện, Thanh Hóa còn có nguồn nhân lực dồi dào.
“Mặc dù có nhiều lợi thế, song sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai địa phương chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, đề nghị hai hiệp hội tới đây sẽ có những cuộc xúc tiến cụ thể để doanh nghiệp của hai địa phương cùng phát triển”, ông Thắng cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Cao Tiến Đoan – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa chia sẻ, liên tục trong nhiều năm qua, Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đã tổ chức hàng loạt chương trình xúc tiến đầu tư – thương mại tại các địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Những chương trình đó không chỉ quảng bá tiềm năng thế mạnh Thanh Hóa mà còn để lại dấu ấn rõ nét, xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt, gắn kết giữa doanh nghiệp Thanh Hóa và các đối tác trong, ngoài nước.
“Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và kết nối giao thương Thanh Hóa – Hải Phòng năm 2025 là nhịp cầu tiếp nối đầy ý nghĩa đó. Chúng tôi mong muốn thông qua diễn đàn này sẽ giới thiệu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi của hai địa phương. Đồng thời, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, chia sẻ mô hình phát triển hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình”, ông Đoan cho biết thêm.
Mong muốn kết nối theo ngành hàng
Thực tế, các doanh nghiệp TP Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và kết nối giao thương Thanh Hóa – Hải Phòng, các doanh nghiệp hai bên tập trung cao cho công tác phản biện và tham mưu chính sách phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân.
Ông Trịnh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Khi đến với Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp ở Hải Phòng được đầu tư rất bài bản, quy mô. Nếu các nhà đầu tư Hải Phòng có điều kiện đến đầu tư tại Thanh Hóa thì điều này rất là tốt. Thanh Hóa chúng tôi cũng có những doanh nghiệp đến đầu tư tại Hải Phòng.
Ví dụ, một số lĩnh vực tại Hải Phòng mà các doanh nhân Thanh Hóa có thể tiếp cận được như: vận tải, cảng biển, logistics. Còn các doanh nhân Hải Phòng có thể vào đầu tư tại Thanh Hóa trong lĩnh vực du lịch… Tại Thanh Hóa, việc kết nối các hội viên trong các ngành hàng chưa được tập trung. Nếu các hội viên ngành hàng kết nối được với nhau trong tỉnh Thanh Hóa cũng như trong TP Hải Phòng, đặc biệt giữa TP Hải Phòng với tỉnh Thanh Hóa thì sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng sẽ phát triển rất tốt”.
Còn ông Cao Tiến Đoan cho biết: “Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa mong muốn được chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư TP Hải Phòng đến với Thanh Hóa để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, sẵn sàng là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh bạn với chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, hỗ trợ tích cực để các nhà đầu tư được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sớm triển khai thực hiện dự án, hợp tác kinh doanh thuận lợi, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và kết nối giao thương Thanh Hóa – Hải Phòng, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa cũng giới thiệu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi của hai địa phương. Các đại biểu là đại diện các hội, doanh nghiệp tiêu biểu của hai địa phương trao đổi, thảo luận các sáng kiến hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, chia sẻ mô hình phát triển hiệu quả.
Ông Mai Xuân Thắng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Hải Phòng chia sẻ: “Hiệp hội Du lịch Hải Phòng và Thanh Hóa đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ để trao đổi làm thế nào hấp dẫn được du khách từ Thanh Hóa ra Hải Phòng và ngược lại. Cơ hội cũng đang mở ra nhờ hệ thống giao thông thuận tiện, nhất là sắp tới có hệ thống đường cao tốc ven biển giúp rút ngắn khoảng cách giữa hai địa phương. Bên cạnh đó, những người làm du lịch Thanh Hóa - Hải Phòng có sự phối hợp rất tốt, tư vấn cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành hệ sinh thái hoàn thiện. Với tầm nhìn mới, điều kiện mới đang mở ra một cơ hội rất lớn trong hợp tác du lịch giữa TP Hải Phòng mới và tỉnh Thanh Hóa”.
Đánh giá về hội nghị này, ông Phí Trọng Đức – Quyền Giám đốc VCCI Duyên hải Bắc Bộ cho rằng: “Ngoài việc tập trung thu hút đầu tư nước ngoài FDI, chúng ta cũng phải tập trung thu hút các nhà đầu tư trực tiếp trong nước. Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, tôi cũng mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Phòng sẽ tập trung vào công tác phản biện chính sách, tham mưu tư vấn cho chính sách vùng, địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp”.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Hiệp hội doanh nghiệp hai địa phương đã đến tham quan, làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ. Tại đây, bà Trần Tố Loan – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư thứ cấp cũng như định hướng thu hút đầu tư của KCN. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế giữa doanh nghiệp Hải Phòng và Thanh Hóa.
Theo diendandoanhnghiep.vn