Cơn bão giảm giá đang đến gần
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA - lo ngại, với sức cạnh tranh hiện tại của ngành thép trong nước, chỉ riêng thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào cũng khó chống đỡ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, có tới 2,3 triệu tấn thép Trung Quốc nhập khẩu vào VN với trị giá lên tới hơn 1,2 tỉ USD. Con số này tăng gần 80% về lượng và 45% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Song đáng nói là trong số thép nhập từ Trung Quốc, có lượng không nhỏ thép có chứa nguyên tố Bo, crôm... được bán dưới dạng thép hợp kim nhằm “né” thuế nhập khẩu được DN “lách luật” nhập vào VN. Do không phải chịu thuế, nên giá bán thép Trung Quốc rẻ hơn thép sản xuất trong nước. Theo VSA, trên thực tế các loại thép và tôn mạ này là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được và vẫn còn dư năng lực, nhưng thép ngoại vẫn ồ ạt tràn về.
Lo ngại về thép Trung Quốc chỉ là một phần. Thống kê của VSA trong 4 tháng đầu năm, tổng lượng thép nhập khẩu toàn thị trường đạt gần 4 triệu tấn, với kim ngạch nhập khẩu hơn 2,3 tỉ USD, tăng mạnh 30% về lượng và 11,2% về giá trị so cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu thép lớn phải kể đến là Nhật Bản hơn 735.000 tấn, Hàn Quốc hơn 520.000, đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi ở chiều ngược lại, xuất khẩu các sản phẩm thép lại giảm cả về lượng (14,2%) và giá trị (15,2%) so cùng kỳ, với tổng lượng thép xuất khẩu chỉ đạt hơn 779.000 tấn, kim ngạch gần 577 triệu USD. Điều này cho thấy ngành thép nhập siêu tới trên 1,7 tỉ USD.
Các chuyên gia thương mại cảnh báo, với đà này, khi Hiệp định FTA VN - Hàn Quốc (VKFTA) và đặc biệt là FTA giữa VN với Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực, thép sẽ là ngành phải chịu sức ép lớn hơn cả khi mở cửa. Các nước Hàn Quốc, Nga, Belarus, Kazakhstan đều có ngành sản xuất thép lâu đời, nhiều nhà máy sản xuất thậm chí đã hết khấu hao với mức thuế suất 0% khi nhập vào VN, các DN trong nước sẽ khó chống đỡ.
Không thể chờ vào bảo hộ
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, dù đã cân nhắc đến các ngành hàng sẽ được hưởng lợi hay bị sự cạnh tranh khi các hiệp định FTA có hiệu lực, một trong những yếu tố cần tính đến là người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi và các DN trong nước phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, không thể trông chờ vào bảo hộ.
Những khó khăn hiện tại và dự báo thách thức khi hội nhập các FTA sẽ không chia đều cho tất cả DN mà sẽ có DN được lợi hơn, trong khi có nhóm DN khác sẽ khó khăn hơn, thậm chí phải thu hẹp thị phần. Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa cũng thừa nhận: Điểm yếu của DN thép Việt Nam là quy mô DN đa phần rất nhỏ, công suất các nhà máy bình quân khoảng vài trăm nghìn tấn, trong khi các nước như Trung Quốc, Nga là cường quốc về sắt thép trên thế giới, công suất lên tới hàng tỉ tấn. Xét ở góc độ cạnh tranh sẽ là không cân sức khi năng lực công nghệ, tài chính của DNVN vừa yếu, vừa kém cỏi. Trong khi ngành thép đang loay hoay với bài toán làm thế nào để xây dựng những DN mạnh với quy mô lên tới 2-3 triệu tấn/năm, thì hội nhập đã không còn chờ.
Các FTA có tác động hai mặt, một mặt giúp DN nội địa mở rộng thị trường, mặt khác các DN phải đối phó với sản phẩm các nước tràn vào. Xuất phát từ điều này, ông Sưa cho rằng: Để ứng phó tại thị trường nội địa, DN cần duy trì sản xuất, kinh doanh bằng cách nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá cả, duy trì dịch vụ hậu mãi. Ngoài ra, để chặn các DNXK không lành mạnh, VSA cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được để bảo vệ các nhà sản xuất.
Nguồn: vnsteel.vn