Trải qua gần 8 năm đàm phán, ký kết, phê chuẩn và phê duyệt theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019.
Bước ngoặt lớn
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, đây là một dấu ấn mới quan trọng trong việc hợp tác giữa hai bên nhằm tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường EU và các thị trường khác trên toàn cầu.
Hiệp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT bắt đầu hoạt động. Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU – được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu (NK) gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.
Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được NK từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của quy chế này nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro NK gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Mặt khác, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường này.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường XK khác, mang lại các lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường và xã hội.
Hiệp định được đánh giá sẽ góp phần đưa ngành chế biến gỗ XK Việt Nam trong 10 năm tới phát triển bền vững, có uy tín và có thương hiệu trên thế giới, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và XK, đưa kim ngạch XK đạt 12 – 13 tỷ USD vào năm 2020 và 18 – 20 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đánh giá hệ thống bảo đảm tính hợp pháp gỗ của Việt Nam sẽ giúp kiểm soát tốt nguồn cung gỗ nguyên liệu, từ đó sẽ giúp nâng cao hình ảnh đồ gỗ của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể coi VPA/FLEGT như là một công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu cho đồ gỗ Việt.
VPA/FLEGT không chỉ giúp tăng trưởng XK vào EU, một số quốc gia đang xem xét việc công nhận giấy phép FLEGT, điều này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường XK. Kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng không chỉ ở các thị trường thành viên EU mà còn ở các quốc gia khác.
Giấy phép FLEGT sẽ giúp các DN XK vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình, nên sẽ rút ngắn thời gian thông quan và giảm các thủ tục pháp lý khác…
Mặt khác, ông Quyền kỳ vọng các DN chế biến gỗ của EU sẽ đầu tư vào Việt Nam để sản xuất các sản phẩm gỗ XK sang các nước khác và các nguyên liệu phụ trợ (keo, sơn, đồ kim khí…). Bên cạnh đó, các DN công nghệ chế biến gỗ Việt Nam sẽ tiếp cận được công nghệ tiên tiến của EU và sẽ thay thế công nghệ chế biến gỗ của Trung Quốc, Đài Loan bằng công nghệ của EU.
Tuy nhiên, Hiệp định VPA/FLEG cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành gỗ của Việt Nam. Theo ông Quyền, đầu tiên chính là việc Việt Nam đang NK nguyên liệu gỗ từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 120 loài gỗ khác nhau. Việc xác định tiêu chí loài rủi ro, vùng địa lý rủi ro khi xây dựng các quy định về kiểm soát chuỗi cung gỗ NK là không dễ dàng.
Khi thực thi Hiệp định, chắc chắn các thương lái cung ứng gỗ nguyên liệu sẽ gây trở ngại trong việc mua và vận chuyển nguyên liệu gỗ. Các cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở các làng nghề gỗ sẽ gặp khó khăn đối với việc lưu giữ hồ sơ và xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Hơn nữa, với yêu cầu từ VPA/FLEG, các DN phải đầu tư nguồn lực vào cải tiến sản xuất, quan tâm hơn nữa đến điều kiện lao động, điều kiện phòng cháy chữa cháy tại các xưởng gỗ. Đồng thời, các DN phải nâng cao năng lực cho cán bộ để đáp ứng tốt các quy định pháp lý liên quan đến hiệp định này.
Đặc biệt, yêu cầu phân loại DN là yếu tố ảnh hưởng lớn đến DN. Đối với DN loại 1, việc cấp phép FLEGT dễ dàng hơn, trong khi các DN loại 2 sẽ phải qua các bước xác nhận và kiểm tra của cơ quan hữu quan ở địa phương…
Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc CTCP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, nhận định để dần làm chủ được nguồn nguyên liệu, điểm cốt lõi là phải phát triển rừng. Việc phát triển rừng sẽ liên quan đến quỹ đất, năng lực đầu tư và kỹ năng kinh doanh rừng. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay, quỹ đất cơ bản giao cho các hộ nhỏ lẻ, rừng phát triển theo kiểu da báo (thiếu vùng chuyên canh), hiệu quả trồng rừng thấp và chất lượng gỗ không cao.
Để tạo đột phá về trồng rừng, ông Lập cho rằng có rất nhiều giải pháp, nhưng con đường nhanh nhất là tái cấu trúc các công ty lâm nghiệp một thành viên ở các tỉnh, thu hút các nhà đầu tư.
"Không khó để tìm những nhà đầu tư trồng rừng lớn, mà ở đây điều cốt lõi là phải có nguồn đất rừng. Do vậy, nhằm tạo bước đột phá về kinh doanh rừng, nên cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp và tạo chính sách về tích tụ tư bản đất rừng để tìm ra những nhà đầu tư tâm huyết có tiềm lực về kinh doanh rừng", ông Lập nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lập cũng đề xuất phải xây dựng nhiều chợ gỗ hoạt động chuyên nghiệp tạo nguồn cung dồi dào, thông qua việc Nhà nước lập quy hoạch và tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư về kinh doanh chợ gỗ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Công Tuấn cho biết để thực hiện Hiệp định, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương xây dựng Nghị định quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Nghị định này sẽ điều chỉnh một số quy định pháp luật về quản lý gỗ NK, phân loại rủi ro DN, xác minh XK và cấp phép FLEGT cho thị trường EU.
Khi Nghị định có hiệu lực, hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ là công cụ hữu hiệu để truy xuất, xác minh nguồn gốc hợp pháp, bất kể đó là gỗ được khai thác trong nước hay gỗ NK.
Theo thoibaokinhdoanh.vn