Thứ Sáu, 22/11/2024 13:16:37 GMT+7
Lượt xem: 1884

Tin đăng lúc 24-04-2019

Mở đường xuất khẩu vào siêu thị Nhật

Trong 6 năm tới, hàng Việt xuất khẩu (XK) vào hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ USD. Việc mở đường XK trực tiếp vào hệ thống siêu thị ở Nhật là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay.
Mở đường xuất khẩu vào siêu thị Nhật
Đưa hàng Việt vào kệ hàng siêu thị ở Nhật cần vượt "cửa ải" tiêu chuẩn

Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang muốn xuất khẩu (XK) trực tiếp sản phẩm nhựa vào hệ thống siêu thị tại Nhật, bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc công ty TNHH Nhựa Đồng Tâm ở Long An, cho biết lâu nay, sản phẩm của công ty thường XK qua trung gian rồi mới đến kệ hàng của siêu thị ở nước ngoài, cho nên hầu như chưa có một kết nối trực tiếp nào với kênh phân phối hiện đại ở Nhật.

"Dù sản phẩm nhựa của công ty cũng nhiều, cũng đẹp nhưng do không XK trực tiếp nên không biết thị hiếu của người tiêu dùng Nhật và siêu thị Nhật như thế nào", bà Bích băn khoăn.

Kỳ vọng lâu dài

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi hội thảo kết nối DN tham gia vào chuỗi cung ứng Tập đoàn Aeon Nhật Bản do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM ngày 23/4, bà Bích cho biết trước đây có một số nhà nhập khẩu Nhật đến công ty để tìm hiểu một số mặt hàng nên bà thấy rằng tiềm năng XK trực tiếp vào kênh phân phối hiện đại ở Nhật là rất lớn.

Theo nữ phó giám đốc này, người sản xuất thì luôn muốn bán được hàng nên rất muốn nghe được trực tiếp ý kiến từ đại diện người mua ở Nhật là các kênh siêu thị lớn, nhất là các yêu cầu về chất lượng, quy trình để công ty có thể sản xuất đáp ứng được yêu cầu.

Thực tế, nhiều khi phía công ty sản xuất ra sản phẩm dù được khách hàng Nhật ưa thích nhưng siêu thị hay nhà phân phối không mua thì DN cũng không biết phải làm như thế nào hoặc không biết chuẩn nào của siêu thị để mà có thể đáp ứng được mong muốn của họ, nhất là sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn gì khi mà sản phẩm đẹp thì chưa hẳn là đủ.

Chẳng hạn, một hệ thống siêu thị Nhật đưa ra cả một yêu cầu khắt khe về quy trình an toàn lao động cũng như quy trình về sử dụng người lao động. Do đó, nếu DN Việt muốn vào được thị trường Nhật thông qua hệ thống siêu thị này thì phải đáp ứng các yêu cầu này.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu của Nhật Bản, cho biết hiện tại với hệ thống siêu thị Aeon tại Việt Nam, có tổng cộng có 3.000 nhà cung cấp. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 200 – 300 nhà cung cấp có thể xuất hàng sang thị trường Nhật.

Với những DN Việt xuất được hàng vào siêu thị Nhật, ông Yuichiro nhấn mạnh những DN đó phải đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Hơn nữa, DN đó phải có kinh nghiệm XK hàng hoá. Nếu DN mới XK, chưa hề có kinh nghiệm hoặc DN không có chức năng để sản xuất hàng XK thì chưa thể nào xuất hàng sang Nhật.

"Chúng tôi đang đặt ra kỳ vọng là sẽ tạo được 2.000 – 3.000 nhà cung cấp Việt Nam có thể XK sang siêu thị của Aeon tại Nhật trong thời gian tới", ông Yuichiro nói.

 

Đưa hàng Việt vào kệ hàng siêu thị ở Nhật cần vượt "cửa ải" tiêu chuẩn

 

"Cửa ải" tiêu chuẩn

 

Theo Bộ Công Thương, thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ của họ, trong thời gian tới, Tập đoàn Aeon sẽ lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống siêu thị của họ tại Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch XK hàng Việt Nam thông qua hệ thống của tập đoàn này tại Nhật đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

 

Để làm được điều đó, vấn đề được đặt ra là làm sao để mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống của chuỗi siêu thị này tại Nhật.

 

Hơn nữa, các nhà cung ứng Việt Nam cũng cần từng bước được hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà bán lẻ Nhật Bản. Đồng thời, phía DN Việt sẽ được hỗ trợ tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng Nhật và phía nhà bán lẻ sẽ tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước.

 

Yêu cầu đặt ra cho các DN Việt là phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho tới các Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành (như JIS, SIK của Nhật Bản). Tiếp đó là các tiêu chuẩn riêng của siêu thị.

 

Dành lời khuyên cho các DN tại các tỉnh phía Nam đang muốn XK vào chuỗi siêu thị ở Nhật, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Tp.Hà Nội, lưu ý rằng việc đưa hàng vào các siêu thị Nhật tại Việt Nam đã là khó, việc đưa hàng Việt vào bày bán tại các kệ hàng của siêu thị tại thị trường vốn khắt khe như Nhật lại càng khó hơn.

 

Như chia sẻ của bà Mai Anh, có những DN đã XK, làm ăn với Nhật nhưng chưa chắc có thể đưa hàng được vào hệ thống siêu thị tại Nhật. Đấy là điều mà các DN cần nhận thức rõ.

 

"Thực tế, đưa hàng vào siêu thị ở Nhật là một cuộc cạnh tranh giữa các DN Việt với DN các quốc gia khác. Các DN Việt cần hiểu rằng đưa vào hệ thống phân phối lớn ở Nhật là một bước thử thách khá khắc nghiệt", bà Mai Anh nói.

 

Các kênh phân phối hiện đại ở Nhật đòi hỏi những nhà cung cấp cho họ phải đạt được các tiêu chuẩn để họ có thể phục vụ cho hệ thống siêu thị và người tiêu dùng Nhật.

 

Như chia sẻ của ông Yuichiro Shiotani, nếu DN Việt đưa được hàng hoá vào siêu thị ở Nhật thì chính là khẳng định sự thành công của DN khi XK ra thị trường thế giới.

 

Theo thoibaokinhdoanh.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang