Kỳ vọng mô hình bứt phá
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Duy Hiệp, chuyên gia logistics cho biết, trước hết cần khẳng định ngành logistics Việt Nam có sức hút rõ rệt.
Hiện nay ngành logistics Việt Nam đang tồn tại một số bất cập lớn, trong đó chi phí cao hơn nhiều nước, làm giảm lợi thế cạnh tranh. Hiện chi phí logistics của Việt Nam cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung của thế giới. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics còn thiếu đồng bộ và thiếu sự liên kết... Những thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết là Việt Nam cần áp dụng mô hình mới mang tính đột phá.
Theo ông Lê Duy Hiệp, khái niệm "cảng miễn thuế" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập có thể hiểu là mô hình cảng biển được hưởng quy chế phi thuế quan hoặc khu thương mại tự do... Ngành logistics cần nghiên cứu sâu mô hình này để triển khai hiệu quả trong thực tiễn.
Cũng theo ông Hiệp, cảng miễn thuế sẽ là nơi diễn ra các hoạt động thương mại quốc tế nhằm kích thích giao thương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài và thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Mục tiêu chính của khu thương mại tự do là khuyến khích hoạt động kinh tế và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Các yếu tố quan trọng nhất để hỗ trợ mục tiêu này bao gồm các ưu đãi về miễn thuế, thuế quan hoặc chính sách hoãn thuế hải quan. Trong một cảng thuộc khu thương mại tự do, hàng hóa có thể được nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu mà không phải chịu thuế hải quan hoặc thuế trong nước. Các loại thuế này chỉ được áp dụng khi sản phẩm đi vào thị trường nội địa, thường với mức thuế suất thấp hơn.
Ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh, phải giảm thủ tục hành chính đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thông quan, thuế thì mới thu hút và phát triển được mô hình cảng miễn thuế. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất, cản trở ngành logistics cũng như ngành cảng biển Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.
"Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm logistics khu vực và thế giới, nhưng cần tích hợp các chức năng thương mại như khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, cảng trung chuyển… Chính sách và pháp luật đã mở đường, song cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh phù hợp về xuất nhập khẩu, hải quan, thuế. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, việc phát triển các khu thương mại tự do, cảng miễn thuế sẽ là cú hích quan trọng giúp kinh tế Việt Nam bứt phá" - ông Lê Duy Hiệp cho hay.
Kinh nghiệm vận hành, phát triển FTZ ở châu Á
Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, như Singapore, Trung Quốc... đã thành lập các Khu thương mại tự do (Free Trade Zone - FTZ) để phát triển nền kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào các FTZ.
Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), hầu hết các nước châu Á lựa chọn chính sách phát triển các FTZ một phần vì việc cung cấp cơ sở hạ tầng tương đối phát triển ở những khu vực đặc biệt nhỏ dễ hơn là thiết lập cơ sở hạ tầng tốt trên toàn quốc trong một thời gian ngắn.
Khu FTZ được coi là khu vực nằm ngoài phạm vi áp dụng của luật hải quan thông thường, được thiết kế để thu hút FDI và cung cấp môi trường kinh doanh thân thiện với các ưu đãi, cơ sở hạ tầng tốt và nhiều lợi thế khác. Trên hết, các FTZ, dù với tên gọi nào, đều tập trung vào sản xuất để xuất khẩu và nhiều FTZ nằm dọc theo bờ biển hoặc gần các tuyến đường vận tải biển để tận dụng vận tải quốc tế.
Một số khác biệt giữa các khu FTZ ở châu Á có thể là do sự khác biệt về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội. Ví dụ, có thể xem như toàn bộ Singapore là một FTZ trong khi hầu hết các quốc gia khác như Hàn Quốc và Malaysia chỉ chỉ định những khu vực rất cụ thể là FTZ, nhỏ hơn rất nhiều so với diện tích cả nước.
FTZ đầu tiên ở Singapore được thành lập năm 1969 nhằm hỗ trợ thương mại trung chuyển. Hiện nước này có 7 FTZ, gồm 6 khu cho hàng hóa đường biển và 1 khu cho hàng không. Hàng hóa tại đây được lưu trữ, xử lý, tái xuất với thủ tục hải quan tối thiểu, giúp tối ưu hoạt động trung chuyển.
Từ năm 1980, Trung Quốc thành lập 5 đặc khu kinh tế (SEZ) như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu (Quảng Đông), Hạ Môn (Phúc Kiến) và toàn bộ tỉnh Hải Nam, đóng vai trò thúc đẩy kinh tế đối ngoại và cải cách ngoại thương.
Các FTZ của Trung Quốc có diện tích từ dưới 1km² đến 10km², cho phép hoạt động kho bảo thuế, giao dịch ngoại hối, buôn bán, chế biến và sản xuất xuất khẩu. FTZ đầu tiên ra đời tại Thượng Hải năm 2013, đến nay đã tăng lên 22 khu, chủ yếu nằm gần cảng biển.
FTZ do chính quyền địa phương quản lý theo quy định Trung ương và địa phương. Năm 2023, 22 FTZ của Trung Quốc đóng góp 18,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước (theo China Daily, 6.2024).
Theo laodong.vn