Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 2021, nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ đã chính thức đặt chân đến nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… gồm: Gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau); lúa gạo với thương hiệu Tâm Việt ở tỉnh Đồng Tháp...
Đặc biệt, phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các địa phương trên cả nước. Sự xuất hiện của những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ ngày một nhân rộng tại Việt Nam như: Mô hình rau hữu cơ của Nguyễn Tấn Pháp, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); mô hình Organica khởi nghiệp của Phạm Thị Phương Thảo đã có 5 cửa hàng tại TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội với 10 trang trại canh tác rau củ quả có chứng nhận hữu cơ Mỹ, châu Âu; mô hình nông nghiệp hữu cơ Biophap tại Kon Tum và Gia Lai được thành lập bởi Tyna Giang và bộ đôi kỹ sư Marc Binet – Alexis Tavernier; mô hình nuôi cá lồng theo hướng hữu cơ của ông Trương Tuấn Minh tại hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn tồn tại những khó khăn về đầu ra của sản phẩm, tiền vốn, công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm... Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp cần có các biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, tiến tới nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ phát triển vững mạnh.
Hương Việt