Tại các khu chợ, thủy hải sản khô như mực, tôm, cá… được bày bán tràn lan, đa dạng về mẫu mã và giá cả. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), mực khô tùy số lượng con có giá dao động từ 400.000 – 700.000 đồng/kg, mực tẩm từ 500.000 – 900.000 đồng/kg; tôm khô có giá 200.000 đồng/kg – 1 triệu đồng/kg, các loại cá khô có giá 90.000 – 120.000 đồng/kg… Hầu hết các mặt hàng này đều được để trong các khay lớn hoặc túi nilon to không nhãn mác về nhà sản xuất hay hạn sử dụng.
Thông thường khi mua, khách hàng để ý những mặt hàng trắng, màu sáng đẹp vì xem đó là mặt hàng sạch, chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, hàng càng đen càng chất lượng, càng đảm bảo vệ sinh. Chị Hoàng Trà My (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều lúc trong bữa cơm thay đổi sang món cá khô ăn rất ngon nên mình cũng hay mua cá khô ngoài chợ về dự trữ sẵn, đề phòng những ngày mưa không đi chợ được. Nhiều con cá khô có màu sáng đẹp rất có thể đã được ngâm tẩm hóa chất tẩy trắng nên mình chọn những con có bề ngoài xấu hơn”.
Gần đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khuyến cáo vì lợi nhuận một số cơ sở chế biến, doanh nghiệp đã sử dụng các chất phụ gia như phẩm màu, chất bảo quản không có trong danh mục được phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng phẩm màu, các chất bảo quản độc hại như natri borat (hàn the) hay trichlofon... trong quá trình sản xuất thủy hải sản khô. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Natri borat hay trichlorfon đều là hai chất không được phép sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong nuôi trồng thủy sản, cũng không được phép dùng vì tính độc hại của nó. Một số cơ sở sử dụng natri borat để kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm khô, còn trichlorfon thì dùng tránh ruồi, muỗi bu vào. Được biết, natri borat (hàn the) đi theo đường thực phẩm nạp vào cơ thể sẽ ngấm vào tế bào máu và não, làm các tế bào thần kinh hoạt động không bình thường, gây hại cho gan, thận, nguy cơ rối loạn chức năng. Còn trichlorfon có khả năng gây hại đến sức khỏe con người khi bị hấp thụ vào cơ thể, dẫn đến các triệu chứng xuất huyết, tức ngực, khó thở do co thắt ống phế quản. Đặc biệt, nếu trong quá trình khai thác, chế biến thủy hải sản khô không đảm bảo vệ sinh sẽ khiến các vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm, gây tiêu chảy, thương hàn cho người sử dụng.
Bên cạnh những mặt hàng kém chất lượng vẫn còn các cơ sở kinh doanh uy tín, bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đầy đủ hạn sử dụng và ngày sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua thủy hải sản tại những cơ sở này.
Ngọc Bích