Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành XNK quá lớn
Tại cuộc Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra ngày 8/9 vừa qua, một vấn đề không mới tiếp được các doanh nghiệp (DN) nêu lên tại cuộc họp là tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành các lô hàng thực phẩm xuất nhập khẩu (XNK) vẫn quá lớn, gây tốn kém cho DN.
Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Hải quan), năm 2016 có 163.000 lô hàng phải kiểm tra ATTP khi nhập khẩu. Với khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí cho việc này trung bình 6-10 triệu đồng/lô hàng thì tổng chi phí DN phải chịu từ 978-1.630 tỷ đồng/năm.
Đại diện Eurocham cho biết tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản việc kiểm tra chuyên ngành theo hướng xác suất và thường chiếm 1-3% số lô hàng, tuy nhiên nếu phát hiện vi phạm và có cảnh báo thì tỉ lệ tăng lên từ 30% hoặc 100%. Hiện tại ở Việt Nam tỉ lệ kiểm tra các lô hàng thực phẩm đang dao động 30-35% dù mục tiêu Nghị quyết 19 đặt ra là giảm xuống 15% nhưng các bộ triển khai rất chậm.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đã từng bước áp dụng chế độ “luồng xanh” khi kiểm tra chuyên ngành, miễn kiểm tra đối với DN có lịch sử tuân thủ tốt.
“Luật quy định kiểm tra chuyên ngành nhưng kiểm tra như thế nào chứ nếu chúng ta biết rõ không cần thiết mà vẫn làm theo cách cũ thì không được. Tinh thần là chỉ kiểm tra những gì thực sự cần thiết”, Phó Thủ tướng nói và giao Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38 đưa các nội dung này vào.
Trước đó, thực tế này cũng đã được Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) tại TP.HCM chỉ ra trong hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 về cải cách quy định quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 6. Đại diện Amcham cho rằng quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay không hề phù hợp với các nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của Chính phủ.
Theo vị này, hiện một sản phẩm đang sản xuất tại Việt Nam phải cõng rất nhiều giấy phép con chỉ xét riêng về nguyên liệu. Chẳng hạn, một chiếc bánh có đến 12 nguyên liệu, thời gian xin giấy phép mỗi nguyên liệu mất 30 ngày, vậy là tổng cộng mất hơn 300 ngày.
Vấn đề là các nguyên liệu này không phải là những thứ doanh nghiệp bán trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng quy định vẫn bắt họ phải công bố tiêu chuẩn chất lượng cho cả nguyên liệu lẫn thành phẩm.
“Hiện nay các doanh nghiệp bị yêu cầu cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với an toàn thực phẩm, trong khi yêu cầu này trái Luật An toàn thực phẩm cũng như Luật Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thực phẩm”, đại diện Amcham nói.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, các quy định máy móc và vô lý đã làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và xã hội, khiến tổng chi phí logistics của Việt Nam chiếm đến 21% GDP.
Trong khi đó, chỉ cần doanh nghiệp tiết kiệm được 10% chi phí logistics, GDP sẽ có thêm hàng tỉ USD. Ông Cung cho rằng giảm một ngày thông quan các sản phẩm nhập khẩu, doanh nghiệp tiết kiệm được 800 triệu USD.
|
“Giải thoát” cho DN bằng cách nào?
Không chỉ phải xin giấy phép cho sản phẩm sau khi đã hoàn thành mà trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cũng phải xin giấy phép cho nguyên liệu bao gồm cả phụ gia thực phẩm… Đại diện Amcham cho rằng cần loại bỏ thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu đăng ký hợp quy các nguyên liệu phụ gia, bao bì nhập khẩu dùng cho sản xuất tiêu dùng nội bộ của doanh nghiệp mà không đưa ra thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần loại bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp tự gửi mẫu kiểm nghiệm vì quy định này trái luật khi đó là trách nhiệm và vai trò của cơ quan Nhà nước.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG, các doanh nghiệp cũng đang bức xúc vì việc lấy mẫu để kiểm tra quá nhiều. Cơ quan kiểm tra lấy mẫu rất lãng phí. Có những sản phẩm trọng lượng lớn vì kiểm tra một ít sau đó doanh nghiệp không thể dùng để sản xuất được nữa. Cũng theo ông Bình, nhiều doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng tốn chi phí để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý có thể kiểm tra tại nguồn, ở nước xuất xứ để tránh tình trạng kiểm tra lẻ tẻ, nhiều lần như hiện nay.
Về những bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Mai Hương, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành chưa tách bạch giữa kiểm tra nhà nước và hoạt động đánh giá sự phù hợp. Thời gian thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK của Việt Nam còn dài. Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương kiến nghị, cần rà soát danh mục hàng nhóm 2, thay đổi cơ chế quản lý hàng nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời khuyến khích tổ chức đánh giá sản phẩm hàng hóa nên triển khai đánh giá tại nguồn, không thực hiện kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu.
Nguồn: Chất lượng Việt Nam online