Vẫn biết rằng, nhiệm vụ đưa thông tin, phản ánh vấn đề mang tính thời sự, truyền tải thông tin hấp dẫn…là yếu tố quan trọng nhất của một tờ báo hay tạp chí. Song nếu dành thời gian điểm qua một số tờ báo phát hành hàng ngày, hay trên 1, 2 trang báo, tạp chí điện tử thấy rằng phần lớn các tin, bài có nội dung giống nhau, viết theo công thức na ná như nhau; chỉ khác nhau ở chỗ nơi này đưa nội dung đầy đủ, chi tiết, nơi kia chỉ đưa tin theo tôn chỉ mục của tờ báo hay tạp chí mình. Đặc biệt, đối với những báo, tạp chí chuyên ngành thì phần lớn lượng thông tin tập trung phản ảnh những vấn đề, hoạt động của ngành hoặc lĩnh vực mang đậm tính chuyên sâu… nên phóng viên phải lo đắp đầy nội dung, lo hoàn thành đủ chỉ tiêu, để viết giỏi về lĩnh vực đó đã ngốn rất nhiều thời gian của họ. Vì vậy, lượng thông tin về các lĩnh vực khác hoặc thông tin giải trí, những bài viết có tính văn học chỉ chiếm một dung lượng rất nhỏ. Nhưng nếu ngày nào ta cũng chỉ đọc một giọng văn thông tấn, những thông tin chuyên sâu về một lĩnh vực sẽ dễ khiến ta bị nhàm chán, như bị “ngấy” khi phải ăn quá nhiều một loại thức ăn trong một thời gian dài. Đáng tiếc, đến nay nhiều cơ quan báo chí vẫn duy trì cách làm báo đời thường nói trên mà áp vào vài số phát hành đặc biệt nhân dịp Tết, kỷ niệm, lễ trọng của đất nước khiến người đọc vơi đi sự hứng khởi.
Quan sát trên một số tờ báo như : Nhân dân, Lao động, Thanh Niên…và trên báo ngành như: Công an, Thanh Niên, Tiền Phong…hay tạp chí chuyên ngành như: Heritage, Cánh Buồm .…là những tờ có vẻ rất xa với văn chương nhưng vẫn được bạn đọc mong chờ, có số lượng phát hành lớn, đặc biệt là những số phát hành nhân dịp ngày Lễ, Tết bởi nó chứa vài bài viết mang đậm chất văn trên báo. Đây là những tác phẩm rất hay, đẹp, có duyên và lạ lại sâu thẳm chất “Đời”, lấp lánh chất văn chương và làm sang trọng cho tờ báo; thậm chí đặt số báo đó lên hàng tốp đầu trong tâm tưởng của giới bạn đọc. Người sành văn hóa đọc lâu nay đã hình thành thói quen so sánh, xếp hạng các bài báo mỗi dịp xuất bản đặc biệt. Đọc những bài sang quý ấy khiến ta suy tư, quay về với nhân bản hay nói cách khác là chúng làm say lòng người, tái lập và nhắc lại những giá trị nhân văn; khe khẽ gõ vào tâm thức con người. Nó khác biệt, bù đắp cho sự khô cứng ở các ấn bản thường kỳ vì ở đó người đọc nhận ra bản thân mình cùng đồng loại, vạn vật, thiên nhiên.
Quay lại với câu chuyện những tờ báo, tạp chí của chúng ta hiện nay, chính vì hàng ngày phóng viên phải chi phối quá nhiều vấn đề như: định mức tin bài, thời gian, giật tít làm sao để câu like, câu view nhằm tăng lượng người xem mà kiếm được tiền từ những tin, bài... Bởi vậy, họ hầu như lãng quên, ít để ý thực hiện những bài viết có tính văn học, có hồn trên báo, tạp chí của mình. Song có một nghịch lý là vào mỗi số báo Tết hay các số báo đặc biệt (ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6; ngày thương binh liệt sỹ 27/7; Quốc khánh 2/9), nếu phóng viên nào có bài viết được đăng thì lại rất hạnh phúc, coi đó là đứa con tinh thần sáng giá nên họ thường mang tờ báo có bài viết đó đi khoe với bạn bè, đồng nghiệp trong tâm thế rất hãnh diện, tự hào. Bởi lẽ, những bài tản mạn, ghi chép, tản văn hoặc tùy bút…rất khó viết, lại nhọc công thuộc thể tài “kén người viết”. Trên thực tế, không ít người có thâm niên hàng chục năm làm báo, khi về hưu cũng không đăng được bài nào. Để viết những bài ấy đòi hỏi phóng viên phải có thực lực, sẵn sàng bỏ thời gian để mài từng chữ, ghép từng câu. Đặc biệt, phải có khả năng quan sát, thấu hiểu lòng người, chất lãng mạn cùng tư duy logic, cộng với năng khiếu, vốn sống và tâm huyết. Bởi vậy, nhiều tờ báo, tạp chí có rất ít hoặc rất thiếu những bài viết theo kiểu này. Một tòa soạn lớn có khi cũng chỉ dăm người có thể viết được, còn tòa soạn nhỏ hay một tạp chí chuyên ngành chỉ có 1 đến 2 người.
Từ kinh nghiệm của bản thân cho thấy, khi tin hay bài được xuất bản, ta chỉ quan tâm xem thông tin đó có chuẩn xác hay không, có bị biên tập cắt xén nhiều nội dung hay không, rồi ta dễ dàng quên ngay còn tiếp tục quan tâm tới các chủ đề khác. Nhưng khi có ý định viết những bài lớn nhân các sự kiện đặc biệt thì phải đầu tư một lượng thời gian, công sức và kiến thức rất lớn. Với tôi, mặc dù hứa với ban biên tập sẽ có một bài viết về ngày 21/6 nhưng quả thật mấy ngày cứ loay hoay không biết nên chia sẻ vấn đề gì. Và để viết được vấn đề mình lựa chọn, tôi đã phải đọc rất nhiều thông tin, lục lại rất nhiều ký ức, kinh nghiệm và cảm xúc trong suốt thời gian làm báo để chuyển tải thành ngôn ngữ. Năm trước, khi viết bài “Làm báo ở Trường sa” tôi cũng phải đầu tư một lượng thời gian khá lớn để đọc, xem, nghe và hồi ức lại những kỷ niệm ngày mình ra thăm đảo để lấy lại cảm xúc rồi mới có thể chia sẻ những kinh nghiệm quí báu khi tác nghiệp ở Trường Sa.
Với người làm báo, để viết được các tin bài có chất lượng đáp ứng yêu cầu của tòa soạn trong điều kiện làm báo hiện đại đã khó; nhưng để viết được những tác phẩm báo chí thể hiện ngôn ngữ vừa mềm mại, vừa mang đậm chất văn chương mà vẫn truyền tải được những thông điệp nhân văn, có ý nghĩa trong cuộc sống thì lại càng khó khăn hơn. Theo đó, chưa kể là một bài viết phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, nhưng sự bù đắp cho phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí chưa được chú trọng đúng mực. Đơn cử, nhuận bút cho những thể loại “kén người viết” này chỉ nhỉnh hơn bài phản ánh thông thường chút ít, thậm chí ngang bằng nên đã làm nản chí người cầm bút. Đó là cách tiếp cận và đánh giá sai lầm của tòa soạn nên không khuyến khích được phóng viên.
Thiết nghĩ, để một tờ báo, tạp chí mang đậm bản sắc thì từ phía các nhà báo, cần không ngừng bồi dưỡng kiến thức văn hóa nói chung và kiến thức văn học cho mình bằng con đường tự học; bởi mọi thành công đều xuất phát từ sự hiểu biết kiến thức cũng như sự trải nghiệm cuộc sống. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cần có cơ chế hợp lý, động viên khích lệ phóng viên tự nguyện đăng ký tham gia viết những thể loại bài này nhằm giúp chính họ có sự trải nghiệm, nhân lên cơ hội để đồng cảm, sẻ chia cái đẹp trong cuộc sống, đồng thời thể hiện khát vọng khẳng định năng lực của cá nhân sau mỗi bài viết. /.
Hồng Chuyên