Tận dụng những lợi thế mà thương mại điện tử (TMĐT) mang lại là sự kết nối thị trường toàn cầu, nhiều DN Việt đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thông qua các sàn TMĐT như Amazon, Ebay… Thông qua các sàn TMĐT, các DN được hỗ trợ nhiều về quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp dễ dàng tiếp cận với nhiều khách hàng, giảm chi phí... Để khuyến khích và hỗ trợ các DN đẩy mạnh kết nối với các sàn TMĐT, Bộ Công thương thời gian qua cũng đã chủ động có những chương trình hợp tác với các đối tác là các sàn TMĐT lớn, uy tín trên thế giới để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nước ngoài nhiều hơn.
Có thể khẳng định, TMĐT ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30% mỗi năm, TMĐT đang dần trở thành xu hướng tất yếu mà DN hướng tới. Dự báo với tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD, và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 33 tỷ USD. Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các sàn TMĐT chính là giải pháp để DNNVV Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới phù hợp nhất trong bối cảnh Việt Nam hội nhập toàn cầu ngày nay. Thông qua đó, các sản phẩm hàng Việt sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn và DN cũng đem lại lợi nhuận lớn hơn.
Ví như gốm sứ Bát Tràng từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc không chỉ với thị trường Việt Nam mà còn cả thị trường quốc tế. Những năm qua, sản phẩm gốm Bát Tràng đã có mặt ở nhiều gian hàng trên các sàn TMĐT và được cung cấp ra thị trường toàn cầu. Nếu trước đây các sản phẩm gốm được sản xuất và bán tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu thông qua các đối tác trung gian thì giờ đây, gốm Bát tràng đã xuất khẩu trực tiếp chỉ thông qua TMĐT.
Ông Trương Quang Ninh, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại Kim Khánh ở Bát Tràng cho biết, nhận thấy TMĐT là hình thức kinh doanh ngày càng mở rộng và phổ cập trên toàn cầu. Chính bởi vậy công ty đã chủ động xây dựng website giới thiệu sản phẩm, quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình thông qua nhiều kênh như website, mạng xã hội và mới đây là trên các sàn TMĐT toàn cầu. Chính vì thế lượng khách hàng đến với DN cũng ngày một nhiều. Đến nay nhiều sản phẩm của DN đã đến với người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Việc mở rộng kênh bán hàng thông qua TMĐT đem lại lợi ích rất lớn cho DN nói riêng và thương hiệu sản phẩm gốm Bát Tràng nói chung. Hầu hết các sản phẩm giới thiệu trên các sàn TMĐT đều phải đảm bảo về chất lượng, thẩm mỹ và được người tiêu dùng đánh giá cao. TMĐT không chỉ giúp các DN tiêu thụ nhanh hơn nhiều so với kênh bán hàng truyền thống với chi phí thấp hơn mà còn là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với khách hàng. Nhờ đó có thể tạo dựng thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm làng nghề, ông Ninh cho biết thêm.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ, hiện nhiều DN Việt Nam, nhất là các DNNVV trong các lĩnh vực ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, hàng quà tặng, thực phẩm chế biến… đã sử dụng rất thành công kết nối hàng hóa, sản phẩm thông qua các sàn TMĐT lớn. Qua đó vừa tăng sản lượng bán, doanh thu, quảng bá sản phẩm và đặc biệt là thiết lập được lượng khách hàng lớn trên toàn thế giới. Trong xu thế này, các DN cần phải tận dụng tốt những nền tảng của TMĐT để có thể bán hàng trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên để duy trì và tận dụng lợi thế này, các DN cũng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết kế mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đạt được những tiêu chuẩn của các nước, kể cả các nước phát triển.
Là một trong những DN có nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng tại các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc ưa chuộng và được bán trong một số siêu thị tại nước ngoài, CTCP thực phẩm Hữu Nghị đang cho thấy chiến lược đẩy mạnh bán hàng ra thị trường thế giới thông qua TMĐT là hoàn toàn đúng. Đại diện CTCP thực phẩm Hữu Nghị cho biết, nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đang sử dụng thường xuyên trang TMĐT, các mạng xã hội nên công ty đã chủ động đưa những sản phẩm như bánh, thực phẩm lên các sàn TMĐT. Từ đó các sản phẩm này đã có thể thâm nhập được nhiều thị trường mà người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn sản phẩm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Có thể thấy việc đưa sản phẩm thông qua các sàn TMĐT uy tín đã mang lại rất nhiều lợi ích cho DN, nhất là trong việc quảng bá sản phẩm ra thế giới.
Thời gian qua, nhiều DNNVV đã có những thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài thông qua TMĐT. Qua đó, DN cũng dễ dàng tiếp cận với những khách hàng trên toàn thế giới, giảm chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, mở văn phòng đại diện ở các thị trường mục tiêu…
Không những thế, nhận thấy tiềm năng rất lớn từ các DN Việt, các sàn TMĐT lớn như Amazon, Ebay, Alibaba đã thâm nhập sâu rộng tại thị trường Việt Nam. Họ trực tiếp kết nối với các DN Việt để tham gia vào kênh phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng các DNNVV tham gia trực tiếp TMĐT vẫn còn thấp so với số lượng hiện có. Theo số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), hiện mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700 nghìn DN đang hoạt động.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM khẳng định, TMĐT sẽ là xu hướng giao dịch của tương lai. Chính vì vậy Cục XTTM đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho các DNNVV có thể tham gia vào sân chơi này. Đồng thời giúp DN có thể ứng dụng tốt nhất những công cụ của TMĐT, công cụ của kinh tế số vào xúc tiến xuất khẩu của DN trong thời gian tới. Bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT lớn là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó thúc đẩy các kênh bán hàng khác tới thị trường thế giới, bà An nhấn mạnh.
Theo Thời Báo Ngân Hàng