Có lẽ trong cuộc đời, mỗi người đều có nhiều kỷ niệm. Đối với tôi, kỷ niệm sâu đậm nhất là lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1976, khi Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 325, Quân Khu 3 của chúng tôi được giao nhiệm vụ tăng cường lực lượng hỗ trợ Nhà máy Gạch Chiến Thắng thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Hưng. Công việc hàng ngày là đào hồ lấy đất phục vụ Nhà máy đang rất thiếu nguyên liệu. Tại đây, không chỉ có Tiểu đoàn 5, mà còn có hàng ngàn bộ đội thuộc các tiểu đoàn khác, rất đông và cũng vô cùng kỷ luật.
Một buổi chiều, khi loa truyền thanh của Nhà máy thông báo có lãnh tụ của Đảng, Quân đội đến thăm Nhà máy và yêu cầu các đơn vị giữ nghiêm kỷ luật quân đội, ai làm việc nấy, không được bỏ vị trí. Khoảng 15h, chiếc trực thăng chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh xuống bãi đất rộng bên cạnh công trường. Thiếu tướng Đặng Kinh – Tư lệnh Quân khu 3 và nhiều tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, Quân khu 3, lãnh đạo các trung đoàn, tiểu đoàn đang làm nhiệm vụ tại Công trường đã ra tận chân máy bay để đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên ô tô về Nhà máy.
Xe đi được một đoạn ngắn thì cả công trường đã ùa lên, đứng dọc hai bên đường giơ mũ chào Đại tướng. Rồi cả rừng người, không ai bảo ai, cứ ào ra “chặn” cứng lối xe đi, bởi ai cũng háo hức một lần được gặp vị Đại tướng tài ba, người Anh Cả, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cũng thật bất ngờ, chiếc xe chở Đoàn dừng bánh. Bước xuống xe, vẫn bộ quân phục dành cho sĩ quan cao cấp, Đại tướng tươi cười, lấy mũ cứng vẫy chào các chiến sĩ. Anh em cảnh vệ rất nhanh chóng dẹp đường, nhưng Đại tướng đã dừng lại, tiến sát anh em bộ đội, quần áo lấm lem. Tôi cố chen lấn và thật may mắn là cũng được đứng gần nơi Đại tướng dừng chân. Lúc đó, tôi chẳng kịp nghĩ sẽ quan sát xem Đại tướng cao hay thấp, da dẻ thế nào, bởi niềm vui, phấn khích được đứng gần cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Ông bá vai một chiến sĩ, ân cần hỏi: Cháu quê ở đâu? “Dạ cháu quê ở Kiến An ạ”. Học lớp mấy? “Cháu học lớp 4”. Có thích lao động ở đây không? “Dạ, thưa Bác, có ạ”. Thể thì phải cố gắng nhé? Phải đứng gần lắm mới nghe được vì tiếng ồn ã của máy bay trực thăng đậu gần đó. Sau câu hỏi, Đại tướng giơ tay chào anh em và lên xe vào thẳng Nhà máy.
Buổi tối, theo mệnh lệnh khẩn cấp của cấp trên, cả Tiểu đoàn họp dưới sự chỉ huy của đồng chí Thượng úy, Chính trị viên Tiểu đoàn. Ông thông báo cho đơn vị biết việc Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đến thăm Nhà máy là sự động viên hết sức to lớn đối với một trong những đơn vị làm kinh tế của Quân khu 3. Theo lời vị Chính trị viên Tiểu đoàn 5, thì tại buổi họp với cán bộ chủ chốt của Quân khu và Nhà máy Gạch Chiến Thắng chiều hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương tinh thần lao động cần cù của các đơn vị lao động trên công trường, đã phát huy truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, không có việc gì khó, anh dũng đánh giặc trong thời chiến, nhưng cũng giỏi trong lao động thời bình. Biểu dương xong, Đại tướng đã phê bình nghiêm khắc thủ trưởng các đơn vị đã không duy trì được kỷ luật của Quân đội, ý thức rèn luyện và chấp hành nội quy, quy định, điều lệnh đội ngũ kém, nên buổi chiều, khi Bộ trưởng Quốc phòng đến đã không quản lý được quân, để xảy ra lộn xộn, chen lấn khi Đại tướng xuống máy bay. Trong đó, nhiều lần vị chỉ huy Tiểu đoàn phải đứng dậy nhận lỗi trước Đại tướng.
Dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp
Hôm nay, đi trong dòng người vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân và các lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam, ký ức một thời quân ngũ đã sống dậy trong tôi, bởi kỷ niệm về lần được gặp và nghe lại những lời khiển trách của Đại tướng về kỷ luật quân đội, mới thấy bất cứ lúc nào, làm gì, ở đâu, cũng đều phải rèn luyện, học tập và chấp hành nghiêm ý thức tổ chức kỷ luật, nhất là kỷ luật lao động trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Đừng