Thứ Hai, 25/11/2024 04:05:29 GMT+7
Lượt xem: 3336

Tin đăng lúc 05-02-2018

Một số sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam năm 2017

Năm 2017, rất nhiều sự kiện đáng chú ý trong mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị… đã diễn ra trên khắp cả nước. Dưới đây, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng xin tóm lược một số sự kiện đáng chú ý nhất trong năm qua.
Một số sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam năm 2017
Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công năm APEC 2017

1. Tổ chức thành công APEC 2017

 

Với vai trò là nước chủ nhà, VN đã tổ chức thành công năm APEC 2017. Sự kiện này đã giúp VN làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác;  góp phần nâng cao vai trò và vị thế, tăng cường mối quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối DN VN với các DN APEC, đồng thời quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của VN. Nhiều sáng kiến quan trọng của VN đã được các nền kinh tế APEC ủng hộ, đánh giá cao và tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, với 8 văn kiện được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, VN một lần nữa tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC. Cũng trong dịp Tuần lễ cấp cao, đã diễn ra các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử.

 

2. Kinh tế tăng trưởng với những con số kỷ lục

 

 

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 6 năm qua. Lần đầu tiên sau 10 năm, bội chi nhỏ hơn 3,5% và cũng lần đầu tiên, 13 chỉ tiêu KT - XH đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Dự trữ ngoại tệ đạt 52 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ hướng tới 1.000 điểm, cao chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt gần 425 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ quả đã vượt qua cả ngành lúa gạo và dầu khí. Cũng trong năm nay, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới đạt gần 127.000 DN, đồng thời có trên 26.000 DN hoạt động trở lại. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt mức kỷ lục gần 36 tỷ USD. Cũng trong năm này, gần 13 triệu khách quốc tế đã đến Việt Nam (VN), cao nhất từ trước đến nay.

 

3. Chống tham nhũng, tiêu cực – không có vùng cấm

 

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

Năm 2017, công tác chống tham nhũng, tiêu cực để lại nhiều ấn tượng gắn với câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng cháy”. Chưa bao giờ lại có nhiều cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư bị kỷ luật với mức độ nghiêm khắc cao như trong năm nay, thậm chí cả những cán bộ đã về hưu. Đặc biệt còn kỷ luật cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương. Qua đó có thể thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng như lời Tổng Bí thư đã nói: “Từ nay trở đi, bất kỳ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm từ trên xuống dưới, để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.

 

4. Tinh gọn bộ máy hành chính

 

Lần đầu tiên Ban chấp hành TW Đảng ban hành Nghị quyết riêng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Nghị quyết đã được triển khai mạnh mẽ, tạo chuyển biến bước đầu trong việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế, khắc phục sự chồng chéo…

 

 

Cắt ai, ai cắt?

 

Năm 2017, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, các cấp, các ngành, địa phương đã tăng cường cải cách hành chính và đạt được kết quả đáng ghi nhận đó là: cắt giảm và đơn giản hóa tới hơn 5.000 thủ tục hành chính. Bộ Công Thương là Bộ đi tiên phong, đã cắt giảm 420 mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan và cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh... Nhờ vậy, môi trường kinh doanh của VN có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68/190 nền kinh tế.

 

5. Ban hành Nghị quyết xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

 

 

Nhiều Hội thảo bàn về kinh tế tư nhân

 

Ngày 03/10/2017, Chính phủ ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững. VN phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN làm ăn hiệu quả; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP sẽ tăng tương ứng khoảng 50%, 55% và 60 - 65%.

 

6. Một số dự án BOT giao thông gây bức xúc dư luận

 

 

Dự án BOT Cai Lậy gây nhiều tranh cãi

 

Mặc dù chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn, tuy nhiên trong năm qua, việc thu phí giao thông ở một số dự án giao thông theo hình thức BOT đã trở thành tâm điểm bức xúc của dư luận. Trước những bất cập về sự thiếu minh bạch, để tháo gỡ những vấn đề nóng liên quan đến dự án BOT giao thông, UBTV Quốc hội đã ban hành nghị quyết, trong đó quy định việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ được áp dụng đối với các tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn chứ không áp dụng trong đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu. 

 

Như Quỳnh (Tổng hợp)


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang