Thứ Bẩy, 23/11/2024 07:53:33 GMT+7
Lượt xem: 2187

Tin đăng lúc 13-11-2016

Mũ bảo hiểm “rởm” vẫn tung hoành

Khi những chiến dịch ra quân kiểm tra rầm rộ của cơ quan chức năng qua đi, mũ bảo hiểm “rởm” lại công khai “tái xuất”.
Mũ bảo hiểm “rởm” vẫn tung hoành
Mũ bảo hiểm rởm bán tự do không bị kiểm soát chất lượng.

Việc kinh doanh lẫn lộn MBH có chất lượng đạt chuẩn với MBH kém chất lượng không rõ nguồn gốc, mũ có kiểu dáng giống MBH nhưng không phải là MBH gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là tương đối phổ biến.


Khi những chiến dịch ra quân kiểm tra rầm rộ của cơ quan chức năng qua đi, mũ bảo hiểm “rởm” lại công khai “tái xuất”.  Nếu cơ quan chức năng không quyết liệt xử lý thì các chiến dịch truy quét mũ bảo hiểm “rởm” cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

 

Mũ “rởm” lại “tái xuất”

 

Sau nhiều lần ra quân kiểm tra, mũ bảo hiểm “rởm”, kém chất lượng vẫn tung hoành khắp các vỉa hè, đường phố. Theo khảo sát của phóng viên, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, các cửa hàng “di động” bày bán mũ bảo hiểm (MBH) giá rẻ mọc lên như “nấm sau mưa”. Dọc vỉa hè đường Láng, Trường Chinh, Giải Phóng, Khâm Thiên… nhan nhản các sạp này bán, với giá từ 35 - 70 nghìn đồng/mũ, tùy theo kiểu dáng và màu sắc. Ở những đoạn đường có vỉa hè rộng thì MBH được bày trên những tấm bạt trải trên vỉa hè, còn những tuyến phố có vỉa hè hẹp thì mũ được treo trên những chiếc kệ tạm bằng tre hoặc gỗ. Nhưng loại MBH này hầu hết chỉ có một lớp nhựa, họa hoằn có chiếc có một lớp xốp mỏng bên trong.

 

Chọn một sạp hàng nằm ngay đầu phố Khâm Thiên, chúng tôi tạt vào hỏi mua. Cầm cả chồng mũ trên tay, chị bán hàng hồ hởi: “Mũ của chị rẻ nhất ở đây đấy. Cái không có lưỡi trai giá 30 nghìn, có lưỡi trai thêm 5 nghìn nữa. Mua đi em, hàng của chị cả Hà Nội vẫn dùng đấy!”. Chủ cửa hàng mũ “di động” gần cổng Trường đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Bán ở vỉa hè nên chỉ lấy loại rẻ tiền bởi vốn đầu tư nhỏ, không may bị lực lượng chức năng thu giữ thì thiệt hại cũng ít. Hơn nữa, những người mua mũ dọc đường chủ yếu là do quên mũ, mất mũ… nên họ mua dùng tạm để qua mặt lực lượng chức năng”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây đều là mũ kém chất lượng, mũ “nhái”, có giá bán khoảng từ 70 - 150 nghìn đồng. Điều đáng nói, dù đã biết là hàng kém chất lượng nhưng những loại mũ nói trên lại được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Một người bán MBH trên đường Láng cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được 30 - 40 chiếc. Đỗ xe máy ngay lòng đường, Trinh Anh (sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) ngó nghiêng với nhiều kiểu mũ bắt mắt và cũng tự chọn cho mình chiếc mũ lưỡi trai nhỏ gọn chỉ với giá 45 nghìn đồng. “MBH bán trên vỉa hè nhiều màu sắc, kiểu dáng đẹp, giá lại rẻ, đội nhẹ và thoải mái. Thậm chí, nếu giữ gìn cẩn thận thì sử dụng mũ cũng được khá lâu. Khi đi đường, gặp tai nạn thì dù có mũ nào đi chăng nữa cũng nguy hiểm tính mạng”, Trinh Anh nói.

 

Rước họa vì mũ bảo hiểm “rởm”

 

Theo các chuyên gia da liễu, khi mua mũ giá rẻ được làm từ bông, nhựa chất lượng kém cũng đồng nghĩa với chất liệu, vật liệu làm mũ cũng cực rẻ và nguy cơ mất an toàn cao. Đội mũ sản xuất từ nhựa tái chế lên đầu ở nhiệt độ cao ngoài trời và sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng như gây ngứa da đầu, nấm, rụng tóc...

 

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là nơi thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn giao thông, trong đó có không ít trường hợp chấn thương sọ não do người tham gia giao thông sử dụng MBH “rởm”, kém chất lượng. Mới đây, anh Nguyễn Văn H, 34 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức với vết thương rất nặng ở phần đầu, mắt và thái dương. Trên vết thương còn dính nhiều mảnh vỡ của MBH. Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ: “Bản thân người điều khiển phương tiện cũng thừa biết chiếc mũ mà họ sử dụng có đảm bảo an toàn  hay không. Với giá chỉ 30 - 40 nghìn đồng, người ta có thể dễ dàng mua ở bất cứ vỉa hè nào một chiếc mũ mà chỉ cần… rơi nhẹ đã vỡ. Khi đội những chiếc mũ rởm này, người đội đã tự thỏa hiệp với rủi ro của chính bản thân”.

 

Theo ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, việc phân phối MBH trên thị trường được thực hiện thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ với các quy mô khác nhau nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

 

Theo quy định tại QCVN 2:2008/BKHCN, MBH sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp. MBH nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy.        

 

Tuy nhiên, trước tình trạng MBH không đạt chuẩn vẫn tràn lan trên thị trường, để triển khai việc quản lý hoạt động kinh doanh MBH trong thời gian tới phù hợp với Quyết định của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về các điều kiện kinh doanh MBH để trình Chính phủ xem xét ban hành./.

 

Nguồn vov


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang