Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:36:31 GMT+7
Lượt xem: 729

Tin đăng lúc 31-10-2022

Mũ bảo hiểm thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu tại trung tâm robot và trí tuệ nhân tạo (AI) National Robotarium (Scotland) đang phát triển công nghệ mũ bảo hiểm có thể giúp lính cứu hỏa tăng hiệu quả công việc
Mũ bảo hiểm thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo
Mũ bảo hiểm với sự hỗ trợ của AI có thể giúp lính cứu hỏa làm việc hiệu quả hơn.

Chiếc mũ với sự hỗ trợ của AI này có thể nhanh chóng lập bản đồ môi trường xung quanh, điều hướng trong môi trường nguy hiểm và xác định vị trí nạn nhân tại hiện trường một cách hiệu quả. Kết hợp nguồn cấp dữ liệu từ camera ảnh nhiệt, radar và cảm biến quán tính được gắn trên mũ bảo hiểm chữa cháy đạt tiêu chuẩn, công nghệ sử dụng AI tiên tiến mới của National Robotarium (Scotland) sẽ cung cấp cho người đội mũ thông tin thời gian thực. Điều này có thể giúp lính cứu hỏa phát hiện nạn nhân, nhận dạng đồng đội và cung cấp thông tin chính xác về vị trí của họ.

 

Các thử nghiệm đối với công nghệ mới trên ở thực địa đã được tiến hành với sự hợp tác của nhân viên Dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ Scotland tại cơ sở đào tạo ở Newbridge, Edinburgh.

 

Người ta hy vọng công nghệ tiên phong đó có thể hỗ trợ nhân viên cứu hỏa và chỉ huy hiện trường điều hướng an toàn hơn trong các điều kiện bất lợi hoặc tầm nhìn thấp như trong vụ hỏa hoạn dày đặc khói lửa. Đặc biệt, chiếc mũ đó sẽ hỗ trợ việc rút ngắn thời gian giải cứu nạn nhân.

 

Được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại trung tâm National Robotarium với sự chủ trì của Đại học Heriot-Watt và Đại học Edinburgh, dự án mũ bảo hiểm tiên tiến trên đã nhận được tài trợ từ Liên minh Khoa học Máy tính và Tin học Scotland (SICSA), Chương trình SFC Saltire của Hội đồng tài trợ Scotland, cũng như sự tài trợ của Đại học Edinburgh.

 

Giám đốc điều hành của National Robotarium Stewart Miller cho biết, việc phát triển mũ bảo hiểm chữa cháy thông minh có khả năng hỗ trợ nhân viên cứu hỏa và giúp cứu người là một ví dụ tiêu biểu về nghiên cứu đến từ 2 trường đại học đối tác của National Robotarium, họ đều là những trường uy tín nhất ở Scotland.

 

“Khi chúng tôi mở cửa cơ sở chuyên dụng, hiện đại của mình, chúng tôi có thể giới thiệu vai trò của Scotland và Vương quốc Anh trong việc đi đầu trong phát triển toàn cầu về AI và người máy. Bên cạnh đó còn là vai trò của National Robotarium trong việc tiên phong phát triển các giải pháp cho một số thách thức lớn nhất của xã hội và của ngành”.

 

Đặt trụ sở tại khuôn viên Đại học Heriot-Watt ở Edinburgh, National Robotarium có nhiều cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới dành cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Cơ sở này cung cấp chất xúc tác cho tinh thần kinh doanh, tập hợp các học giả và các công ty toàn cầu, đồng thời dự kiến sẽ mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho Edinburgh, Vương quốc Anh.

 

Tiến sĩ Chris Lu, giảng viên Hệ thống Vật lý Mạng tại Trường Tin học thuộc Đại học Edinburgh, là người đứng đầu dự án trên. Ông cho biết, lực lượng cứu hỏa thường hoạt động trong môi trường không có tầm nhìn hoặc tầm nhìn rất thấp do lượng khói tỏa ra từ đám cháy rất lớn. Điều này có thể làm cho việc phát hiện vị trí các nạn nhân và nhân viên cứu hỏa trở nên rất khó khăn trong các tình huống vốn vô cùng nhạy cảm về thời gian.

 

Theo chỉ huy Watch Glen Macaffer của Dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ Scotland, thiết bị của lính cứu hỏa đôi khi gây hạn chế về những gì họ phải làm để tìm kiếm. Thêm vào đó là nhiệt độ và khói đen gây trở ngại. Tuy nhiên, khả năng chụp ảnh nhiệt của công nghệ mới gắn trên mũ sẽ giúp lính cứu hỏa xác định được vị trí của nạn nhân.

 

Ông cho biết, thiết bị giúp lính cứu hỏa quét hình ảnh một căn phòng tốt hơn đáng kể. Nếu không có công nghệ trên, việc quét hình ảnh mất từ 5 - 10 giây cho tới vài phút. Do đó, công nghệ mới giúp thay đổi tình thế rất nhiều.

 

Theo Tiến sĩ Chris Lu, công nghệ mới trên có tiềm năng hỗ trợ các nhân viên cứu hỏa tại chỗ, đồng thời giúp chỉ huy hiện trường đưa ra các quyết định quan trọng trong thời gian thực. Điều này có thể nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo sự hợp tác an toàn hơn giữa đồng đội và quan trọng nhất là nâng cao cơ hội cứu người trong các tình trạng khẩn cấp.

 

Tiến sĩ Chris Lu chia sẻ, toàn bộ giàn cảm biến nặng chưa đến 1 kg và được cấu tạo từ các thành phần có giá cả phải chăng, sẵn có, dễ dàng trang bị thêm cho mũ bảo hiểm chữa cháy đạt tiêu chuẩn hiện có. Điều này có nghĩa là nó có tiềm năng trở thành nguồn tài nguyên vô cùng hiệu quả và dễ tiếp cận cho các đội cứu hỏa và cứu hộ ở Scotland, Vương quốc Anh và hơn thế nữa một khi công nghệ được phát triển đầy đủ.

 

Cũng theo Tiến sĩ Chris Lu, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục mở rộng khả năng của công nghệ với sự hỗ trợ của Dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ Scotland. Tham vọng tiếp theo của họ là cung cấp cho mũ bảo hiểm khả năng tạo bản đồ 3D, giúp cung cấp cho người đội mũ khả năng nhận thức về không gian nhiều hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang tích cực tìm cách tương tác với đối tác trong ngành để có thể hiện thực hóa bước nâng cấp này.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang