Dịch COVID-19 qua nhiều lần bùng phát ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngày càng lớn. Để vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều DN đã đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng và gặt hái những thành quả nhất định.
Tạo robot nuôi cá toàn thời gian
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nuôi cá tra cùng các chi phí khác tăng chóng mặt. Để giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, Công ty Cỏ May đã nhanh chóng bắt tay hoàn thiện giải pháp nuôi cá tự động toàn thời gian bằng robot với phiên bản thứ ba.
Theo ông Thiện, ngành nuôi cá tra tại nước ta có đặc thù riêng không giống nước ngoài, nghĩa là mật độ nuôi rất dày, áp lực chất thải của ao cá rất lớn, đòi hỏi phải thay nước liên tục. Song song đó, khi nuôi cá quá nhiều trên một đoạn sông cũng ảnh hưởng đến môi trường nước.
“Do đó, việc sử dụng robot phiên bản thứ ba giúp trong quá trình nuôi cá không phải thay nước liên tục. Hệ thống này có thiết bị hút bùn, lọc nước… giúp xử lý ao nuôi cá sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường” - ông Thiện thông tin.
Robot còn giúp tối ưu hóa chi phí thức ăn mỗi lần cho cá ăn. Máy sẽ làm giãn mật độ đàn cá tụ tập lại cùng lúc nên con nào cũng ăn đều nhau và có trọng lượng đều nhau. Nhờ vậy, nhà chế biến thủy sản không bị tăng lượng cá tồn kho do kích cỡ cá không đồng đều. Trong khi đó, tồn kho cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN gặp khó, thậm chí phá sản.
Ông Thiện còn tiết lộ: Nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng gạo khi xuất khẩu, công ty vừa đầu tư một hệ thống lạnh trữ được 6.000 tấn lúa gạo với chi phí 50 tỉ đồng.
Mắm tôm xuất khẩu qua YouTube
Ở lĩnh vực sản xuất nước mắm truyền thống, ông Lê Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mắm Lê Gia, thông tin đơn vị đã xuất khẩu thành công nước mắm và mắm tôm Lê Gia sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nga, Panama…
Đáng chú ý, trong điều kiện bình thường, công ty tích cực tham gia các hội chợ thực phẩm quốc tế để có thể gặp gỡ trực tiếp và tìm hiểu thị trường, đối tác, nhà nhập khẩu ra sao… Tuy nhiên, trong dịch bệnh, công ty tận dụng thông tin khách hàng từ các hội nhóm, cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tham tán thương mại ở các quốc gia này.
Chẳng hạn, khi tìm được đối tác có nhu cầu mua hàng, ban đầu hai bên trao đổi, làm việc qua online, zoom… Sau khi khách hàng thẩm định các giấy tờ, chứng chỉ liên quan đến sản phẩm, công ty mới gửi hàng mẫu sang cho họ và cuối cùng mới ký hợp đồng.
“Là DN sản xuất nhỏ, để sống chung với dịch, chúng tôi tăng cường áp dụng đầu tư công nghệ. Ngay trên website công ty cũng đầu tư nhiều hơn về hình ảnh, thông tin sản phẩm, cũng như có chuyên trang với nhiều bài viết bằng tiếng Anh. Đặc biệt, quá trình sản xuất nước mắm, mắm tôm ra sao được giới thiệu qua kênh YouTube để giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn” - ông Lê Anh nói.
Vị lãnh đạo Công ty TNHH Mắm Lê Gia thông tin thêm, công ty còn lập ra một bộ phận chuyên trách xuất khẩu thông qua kênh YouTube. Nhờ đó, dù trong tình hình dịch bệnh, việc tiếp cận khách hàng cả trong và ngoài nước đều không bị gián đoạn.
“Tôi rất bất ngờ trước sự quan tâm của người tiêu dùng tại các nước như Thái Lan với mắm tôm do công ty sản xuất. Sắp tới, công ty sẽ xuất khẩu container 20 feet sản phẩm mắm tôm sang thị trường Thái Lan” - ông Lê Anh cho biết.
Tạo showroom 3D bán hàng
Bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, cho hay do ảnh hưởng dịch COVID-19, giao thương bị hạn chế nên công ty không thể tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Khách hàng cũng không thể đến trực tiếp các showroom của công ty.
Trước bối cảnh đó, công ty đã có những giải pháp làm việc với khách hàng qua zoom; xây dựng showroom 3D để khách hàng có thể xem được sản phẩm một cách trực quan, sinh động, giúp giao dịch thuận lợi hơn. Song song đó, công ty đẩy mạnh kênh bán hàng online.
“Ngoài ra, do không gặp gỡ được khách hàng thường xuyên, công ty thực hiện các cuộc khảo sát online để hiểu được nhu cầu, thị hiếu… nhằm đáp ứng theo xu hướng của khách hàng trong mùa dịch” - bà Diệp thông tin thêm.
Chủ động thay đổi để thích ứng
Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, trong tình hình khó khăn, tùy ngành nghề, năng lực, thâm niên kinh doanh… mà các DN có sự chuyển hóa khác nhau. Tuy nhiên, đa phần các công ty vẫn có tâm lý chờ đợi qua dịch để được hoạt động bình thường như trước đây.
Đáng chú ý, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh đã và đang thay đổi để thích ứng với tình trạng bình thường mới. Nhờ chủ động, tích cực thay đổi, họ đã khai thác tốt các cơ hội và đạt được sự tăng trưởng tốt.
Vị chuyên gia này cũng nhận định rằng kể cả khi chiến lược tiêm chủng vaccine được triển khai tốt, đạt miễn dịch cộng đồng thì các nhà sản xuất, kinh doanh cũng phải chuyển qua một giai đoạn bình thường mới. Do vậy, các DN vừa và nhỏ cần sớm chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh để trở nên gọn gàng, linh hoạt, sáng tạo, an toàn hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời ứng dụng các giải pháp công nghệ có sẵn một cách thường xuyên, thông minh, phù hợp với nhận thức cũng như thói quen mới của khách hàng mục tiêu và chuỗi cung ứng.
“Cộng đồng DN cũng cần đặc biệt chú ý đến hiệu ứng của công nghệ thông tin và các kênh truyền thông mạng xã hội, cùng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như logistics trong chuỗi từ đầu vào đến đầu ra một cách tối ưu” - ông Chiến nhấn mạnh.
Cơ hội để sáng tạo ra sản phẩm mới
Các chuyên gia của chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi, chuyển đổi số đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều DN hiện nay. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, không ít DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản trị kênh phân phối. Trong đó, nhiều DN nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới. Các chuyên gia hy vọng tương lai sẽ xuất hiện nhiều DN với những mô hình kinh doanh đột phá, dịch chuyển hoàn toàn lên môi trường số. |
Theo PLO