Người tiêu dùng có khả năng dựa vào một số tiêu chuẩn nhất định để đánh giá xem một công ty là công ty BHĐC chính thống hay bất chính.
8 vấn đề cần quan tâm khi đánh giá công ty BHĐC
Theo “Cẩm nang phân biệt giữa bán hàng đa cấp chính thống và bán hàng đa cấp bất chính”do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương thực hiện năm 2015, khi mua hàng của các công ty BHĐC hoặc tham gia BHĐC, người tiêu dùng cần quan tâm 8 vấn đề quan trọng sau:
Lên website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra xem công ty có giấy phép bán hàng đa cấp không?: Công ty BHĐC chính thống có giấy chứng nhận BHĐC theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 42) và được phê duyệt, kiểm soát các hạng mục Quy tắc hoạt động, Chương trình đào tạo cơ bản, Chương trình trả thưởng, Hợp đồng với nhà phân phối và Danh mục sản phẩm, giá sản phẩm, điểm thưởng.
Ngược lại, các công ty BHĐC bất chính không có giấy chứng nhận theo Nghị định 42.
Khi tuyển dụng người tham gia bán hàng đa cấp, công ty có ký hợp đồng không?: Công ty BHĐC chính thống ký kết hợp đồng với nhà phân phối dưới dạng văn bản theo mẫu được Bộ Công Thương duyệt. Trong khi đó, công ty BHĐC bất chính không có hợp đồng dưới dạng văn bản để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong nhiều trường hợp, chỉ có thỏa thuận miệng, như thế là quá rủi ro cho người tham gia.
Công ty có bắt người tham gia phải trả chi phí để được tham gia không?: Chi phí tham gia không bị yêu cầu tại công ty BHĐC chính thống, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu tạo cơ bản. Còn công ty BHĐC bất chính thường yêu cầu người tham gia phải trả chi phí vô lý, thậm chí yêu cầu người tham gia phải đặt cọc (đầu tư) hoặc mua lượng hàng có giá trị lớn.
Hoa hồng được trả trên doanh số bán hàng hay trên việc tuyển dụng người?: Nhà phân phối của công ty BHĐC chính thống được trả hoa hồng/tưởng thưởng dựa trên doanh số bán hàng.
Người tham gia công ty BHĐC bất chính được trả thu nhập chủ yếu dựa vào chi phí tuyển dụng người mới, phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới. Các công ty này còn hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn mà người tham gia khó đạt được.
Công ty có bán sản phẩm thực sự không?: Công ty BHĐC chính thống phân phối các dòng sản phẩm chất lượng tốt, đã được cấp phép lưu hành theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, các công ty BHĐC bất chính thường không phân phối sản phẩm gì cụ thể hay cố định mà chỉ tồn tại mạng lưới thông qua tuyển dụng, hoặc có sản phẩm nhưng chỉ mang tính tượng trưng, đối phó.
Việc tham gia bán hàng có dựa trên nhu cầu kinh doanh không?: Nhà phân phối không bị bắt buộc hay yêu cầu mua hàng tại công ty BHĐC chính thống. Trong khi đó, tại công ty BHĐC bất chính, người tham gia bị yêu cầu phải mua hoặc đầu tư nhiều sản phẩm hơn nhu cầu của họ một cách vô lý (đầu cơ).
Công ty có chính sách đổi trả sản phẩm không?: Công ty BHĐC chính thống có chính sách đổi trả sản phẩm theo quy định của Nghị định 42. Còn các công ty BHĐC bất chính không cho phép đổi hoặc trả lại hàng tồn kho.
Công ty có công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất không?: Công ty BHĐC chính thống có kênh thông tin về doanh nghiệp rõ ràng, công khai, minh bạch, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động BHĐC, có tài liệu đào tạo và đội ngũ đào tạo viên chuyên nghiệp theo quy định của Nghị định 42.
Ngược lại, các công ty BHĐC bất chính không có chương trình đào tạo, không có kênh thông tin, không đầu tư cơ sở vật chất, không chú trọng đào tạo nhà phân phối.
Có thắc mắc hoặc phát sinh tranh chấp, liên hệ ai?
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, khi tham gia hoạt động BHĐC hoặc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp BHĐC, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người tham gia/người tiêu dùng có thể liên lạc với Bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Phòng Quản lý thương mại tại các Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia BHĐC, nếu có phát sinh tranh chấp, người tham gia cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để chủ động đề nghị giải quyết quyền lợi của mình căn cứ theo hợp đồng tham gia BHĐC đã ký.
Đồng thời, nếu phát hiện doanh nghiệp có các hành vi vi phạm quy định về BHĐC, người tham gia cần báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác (UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn) tại địa phương, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương.
“Một chiến lược quan trọng mà các công ty BHĐC chân chính không thể bỏ qua là xây dựng mối liên kết, tương tác chặt chẽ với người tham gia, người tiêu dùng dựa trên nền tảng thông tin rõ ràng, minh bạch, nhờ đó mới có thể góp phần xây dựng nên một môi trường BHĐC lành mạnh, phát huy hiệu quả tiềm năng của hình thức kinh doanh hiện đại này tại Việt Nam”, đại diện một công ty bán hàng đa cấp cho biết.
Nguồn MOIT