Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội hay các công cụ mua sắm trực tuyến thường thấy xuất hiện các clip livestream bán hàng, từ quần áo, giày, kính thời trang, mỹ phẩm cho tới các mặt hàng ít phổ biến hơn như dụng cụ gia đình, dụng cụ làm bếp, chăn, chiếu,...
Về lợi ích, những cửa hàng, cửa hiệu sẽ không tốn chi phí setup, thuê mặt bằng hay những chi phí khác khi mở một cửa hàng vật lý. Những shop bán online dễ dàng tiếp cận với một lượng lớn khách hàng thông qua mạng xã hội, giao tiếp, giới thiệu sản phẩm sẽ dễ dàng hơn và ngày khắc sẽ có những đơn hàng đầu tiên.
Còn đối với người mua sẽ không cần phải đến tận cửa hàng để chọn sản phẩm yêu thích, cũng không cần mất công suy nghĩ lựa chọn sản phẩm nào tốt nhất. Khách hàng chỉ cần vuốt và để lại comment quan tâm, ngay lập tức sẽ được cửa hàng phản hồi cho món đồ bạn yêu thích.
Tuy nhiên, đã có nhiều người dùng phản ánh mua phải hàng giả hàng nhái, thậm chí bị lừa tiền khi mua hàng qua các hình thức livestream.
Chị Thanh Huệ - nhân viên văn phòng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Sau khi làm theo các bước hướng dẫn của một livestream bán hàng, tôi chuyển khoản số tiền 100.000 đồng để mua sản phẩm, nhưng đợi một thời gian mãi không thấy sản phẩm đâu".
"Khi gọi lại số chủ shop, họ không bắt máy. Quay lại fanpage để hỏi cho rõ, tôi thấy trang bán quần áo hôm trước đổi thành một địa chỉ hoàn toàn khác", chị Huệ cho biết. "Đến lúc này tôi mới biết mình bị lừa".
Dưới đây là những chiêu trò những người bán hàng online thường hay dùng để tạo lòng tin với khách hàng khi livestream, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua sắm để tránh bị tiền mất tật mang.
Chốt đơn ảo
Nhiều người thường dễ "mủi lòng" khi nhìn thấy vô vàn tương tác, lượt like, bình luận đặt đơn hàng trên các shop livestream. Đánh vào tâm lý đám đông, các shop đó tạo nên danh sách các tên khác hàng ảo, dán trước mặt và cứ thế xướng tên thôi. Sở dĩ họ làm như vây vì lượng khách hàng thực chỉ là con số lèo tèo mà thôi.
Giao bán giá rẻ, giá sốc để câu like
Với tâm lý ham của rẻ của rất nhiều người dùng trên mạng xã hội, hay các nền tảng thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã lợi dụng người xem livestream để câu like, lấy thông tin cá nhân.
Chiêu thức thường thấy của các đối tượng này là đăng bán sản phẩm với mức giá "rẻ như cho", thậm chí là tặng luôn sản phẩm. Để đổi lại, người dùng chỉ cần like, share bài viết và để lại thông tin gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ gửi hàng.
Đối với những người chưa thực sự hiểu không gian mạng và cho rằng những thông tin này không phải tài sản, nên họ sẵn sàng cho đi.
Tuy nhiên trên thực tế, thông tin cá nhân một khi bị lộ, sẽ được bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, tư vấn dịch vụ, ngân hàng, cho vay, nhà đất,...
Lúc này, người dùng sẽ đối mặt với rất nhiều phiền toái ngoài mong đợi, mà không biết rằng mình đã để lọt thông tin cho ai, từ bao giờ.
Thậm chí ngay cả lượng like của người dùng vào một page cũng sẽ được đối tượng "trưng dụng", bằng cách đổi tên page và bán lại để kiếm tiền.
Livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng tới tay người tiêu dùng
Khi mua hàng trên livestream, người mua sẽ được nghe về những lời quảng cáo là sản phẩm tốt nhất, chất lượng đỉnh cao nhất mà giá cũng rẻ nhất. Rất nhiều mặt hàng như đồng hồ, kính, quần áo khi bán hàng trực tuyến luôn có những sự mời chào cực shock, khẳng định hàng hóa chất lượng cao.
Dù cho Facebook đã áp dụng nhiều thuật toán thông minh để phát hiện các bài viết đăng bán các sản phẩm nhái thương hiệu, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, nhiều chủ shop vẫn lách được luật như làm mờ logo thương hiệu, dùng ký tự đặc biệt hoặc cách chữ. Trong đó, mánh khóe được sử dụng nhiều nhất là bán hàng thông qua livestream.
Việc bán hàng nhái qua livestream ít hay khó để facebook định vị được logo, tên thương hiệu từ nội dung video, không những thế, bán qua livestream còn tăng tỷ lệ tương tác cao hơn.
Do đó, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo khi mua hàng qua livestream. Dù nhiều người bán hàng sẽ zoom từng chi tiết của sản phẩm, nhưng việc lựa chọn qua màn hình livestream sẽ khó có thể nhận biết được thật giả. Vì thế, hãy lựa chọn những chủ shop uy tín hoặc đặt mua trực tiếp tại các website của hãng.
Lời khuyên dành cho người tiêu dùng khi mua hàng qua livestream, nên mua hàng ở những địa chỉ tin cậy, uy tín. Đừng ham đồ quá rẻ, cảnh giác với những đồ quá rẻ, cảnh giác với những livestream bán xả hàng tồn kho, hay hàng bị bom. Hạn chế cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà trên bài viết. Đặc biệt, nhất định phải kiểm tra hàng kỹ mới thanh toán.
Trường An