Cuối năm là dịp nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm vàng của các doanh nghiệp thúc đẩy doanh thu với hàng loạt các chương trình ưu đãi, khuyến mại lớn nhất trong năm. Hiện nay, vì sự tiện lợi khi mua hàng online nên nguy cơ người tiêu dùng dính phải “cú lừa” trên mạng cũng cao hơn. Rất nhiều đối tượng kinh doanh bất chính cũng lợi dụng những dịp khuyến mại cuối năm để trà trộn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hòng qua mặt cơ quan chức năng và móc túi người tiêu dùng.
Chị Trần Thị Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi gần như đã quen với việc mua sắm online vì tiện lợi mà lại có được ưu đãi lớn. Nhưng cũng có vài lần tôi và bạn bè phải dở khóc, dở cười vì những người bán hàng không có tâm. Khi chụp ảnh sản phẩm quảng cáo, họ hứa hẹn một đằng nhưng đến lúc nhận hàng thì chất lượng lại đi một nẻo. Vì giá trị hàng hoá không cao lắm nên mình cũng không muốn kiện tụng lôi thôi, đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy!”.
Đó có lẽ là tâm lý chung của những người ưa mua hàng qua mạng như chị Phương. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo ra nhiều vấn đề hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Kể cả trên những sàn thương mại điện tử đã có uy tín, tình trạng buôn bán gian lận vẫn diễn ra hàng ngày mà chưa thể tìm ra cách giải quyết. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ: “Hiện các doanh nghiệp đang rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả các sàn thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo. Nhiều trường hợp người tiêu dùng phát hiện rồi báo lại thì doanh nghiệp mới biết sản phẩm của mình bị làm giả và khi đã phát hiện thì cũng rất khó truy đuổi vì những đối tượng này hễ thấy động là “biến mất”.
Trên các sàn thương mại điện tử, hàng giả cũng rất phổ biến
Tại một số sàn thương mại điện tử có tiếng tại Việt Nam hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp đủ loại sản phẩm từ nước hoa, mỹ phẩm đến quần áo, giày dép… được rao bán tràn ngập như ma trận. Không ít trong đó là những sản phẩm giá rẻ, nhái thương hiệu, kém chất lượng gây ra những trải nghiệm khó chịu với người tiêu dùng.
Ví như nhiều sản phẩm nước hoa thuộc thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cỡ Dior, YSL, Boss, Le Labo… được chào bán với giá rẻ không tưởng chỉ từ vài chục nghìn đến hơn 500.000 đồng/chai với dung tích 50 ml. Trong khi đó những sản phẩm này nếu là hàng chính hãng được bán với giá tiền triệu.
Vốn là người “mê” mua hàng trên Shopee, chị Nguyễn Thu Trang (Hà Đông, Hà Nội) ngao ngán nói: “Vào các đợt khuyến mại, tôi cảm thấy như đang rơi vào “ma trận” hàng sale. Bằng những thông tin quảng cáo khuyến mại hấp dẫn, những người kinh doanh không có tâm đã gài bẫy khách hàng như chúng tôi khi cố tình thổi phồng giá trị thật”.
Nhưng gian lận thương mại không chỉ diễn ra trên các nền tảng online. Càng gần cuối năm, ở các chợ lớn và nổi tiếng của Hà Nội, người ta càng thấy xuất hiện cơ man nào là hàng hoá, sản phẩm. Song không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn về nguồn gốc của những kiện hàng khiến khách mua phải hoa mắt ấy.
Được mệnh danh là “thiên đường” mua sắm quần áo, mỹ phẩm, thiết bị điện thoại, đồ ăn giá rẻ, chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn là địa chỉ lí tưởng của nhiều người tiêu dùng. Tại một quầy mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như: Lancome, Ohui, Chanel, Dio, Guardian, hay nước hoa Gio Armani, Herme…, khách hàng chỉ cần có vài chục nghìn đồng là sở hữu ngay lọ nước hoa hay hộp kem nền, thỏi son. Tại quầy bán túi xách, các thương hiệu đình đám như Chanel, LV, Yves Saint Laurent… cũng được bày bán công khai, với giá chỉ từ hơn 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Đây quả thực là một mức giá khiến người ta phải giật mình và cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh hàng chính hãng… “méo mặt”.
Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các loại giày dép, quần áo, đồng hồ đeo tay giả nhái cũng “núp bóng” tinh vi dưới các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng, khách hàng có thể mua được một chiếc đồng hồ đeo tay với thương hiệu lớn như: Rolex, Gucci, Omega, Burberry… Điều đáng nói là dẫu có biết đó là hàng nhái nhưng nhiều người vẫn chọn mua vì giá cả phải chăng, hợp túi tiền. Anh Nguyễn Văn Nam, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa ướm thử mấy chiếc đồng hồ Rolex trong chợ Xanh vừa cười nói: “Em dân tỉnh lẻ, lại là sinh viên, làm sao mà mơ được đeo hàng chính hãng nổi. Ra đây, hãng lớn nào cũng có, giá lại rẻ gấp trăm lần, đeo vào nhìn cũng khó ai nhận ra được là hàng nhái. Nếu chẳng may có hỏng hóc thì mua cái mới vẫn không xót ruột”.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, buôn bán hàng giả, hàng nhái... là thực trạng rất đáng lo ngại trong những năm gần đây. Năm 2021, Cục đã kiểm tra, xử lý 4.042 vụ, phạt tiền gần 43 tỷ đồng, trong đó, có 1.807 vụ là hàng nhập lậu, 761 vụ là hàng giả, hàng kém chất lượng. Dù năm 2022 chưa kết thúc, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm, Cục QLTT Hà Nội cho biết đã kiểm tra, xử lý tổng số 3.520 vụ với tổng số tiền xử lý là 85,1 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã công bố kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng tới “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023” được triển khai từ ngày 15/11/2022 đến ngày 28/2/2023. Đặc biệt, kế hoạch tập trung vào các dịp cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như Tết dương lịch, tết Nguyên đán, các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Theo đó, các cơ quan nhà nước sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 sẽ mang chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”. Sự kiện được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.
Phương Lê