Mưa nhân tạo được nhà hóa học Vincent Schaefer phát minh ra vào năm 1946 khi thực hiện một thí nghiệm cho hãng General Electric. Giới truyền thông thời đó đã dự đoán rằng công nghệ tạo mây mới sẽ tạo nên một cuộc cách mạng khi có thể dập tắt các đám cháy rừng lớn hoặc tạo ra bông tuyết nhân tạo trên diện rộng cho dịp Giáng sinh. Quá trình làm mưa nhân tạo gồm 3 giai đoạn.
Đầu tiên người ta dùng máy bay để phun hóa chất là CaCl2, CaC2, CaO, kích thích khối không khí đi lên và tạo thành mây. Những hợp chất này có khả năng hấp thụ hơi nước từ khối không khí nên kích thích quá trình ngưng tụ. Tiếp theo là giai đoạn tích lũy. Trong giai đoạn này, số lượng hạt nhân ngưng kết và mật độ hạt mát tăng lên trong những đám mây. Trong giai đoạn cuối, người ta dùng máy bay (tên lửa, đạn phá, khí cầu) phun vào các khối mây các loại hóa chất chậm đông gồm iốt bạc (AgI) và băng khô (CO2 đóng băng), gây nên tình trạng mất cân bằng ở mức cao nhất, tạo ra nhiều hạt nước.
Số quốc gia sử dụng công nghệ này đã tăng từ 42 nước năm 2011 lên 52 nước năm 2015. Riêng tại Mỹ, trong năm 2014 đã có khoảng 55 dự án tạo mưa trên các vùng lãnh thổ. Thậm chí, một công ty tại Châu Âu còn ra mắt dịch vụ điều chỉnh thời tiết với giá thấp nhất là 150.000 USD nhằm bảo đảm thời tiết thuận lợi cho các dịp lễ hội hay nghi lễ quốc gia.
Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), một đất nước giàu dầu mỏ nhưng thuộc tốp 10 quốc gia khô hạn nhất trên thế giới đã theo đuổi kỹ thuật gây mưa nhân tạo suốt hơn 10 năm qua. Cơ quan Khí tượng và Địa chấn học quốc gia UAE (NCMS) luôn theo dõi các radar thời tiết để thông báo cho phi công lái máy bay biết thời điểm cất cánh trong các sứ mệnh làm mưa nhân tạo. Một chuyến bay kéo dài trung bình 3 tiếng đồng hồ, có thể gây khoảng 24 đám mây với chi phí 5.000 USD. Thống kê của NCMS cho thấy, chương trình gây mây đã làm tăng 30% lượng mưa hằng năm của UAE và một đám mây cỡ trung bình có thể chứa tới 270 triệu galon nước, cung cấp cho mặt đất lượng nước trị giá tới 300.000 USD.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng công nghệ mưa nhân tạo sẽ "đánh cắp" lượng nước hay đám mây của vùng đáng ra nhận được mưa tự nhiên cho các khu vực khác, qua đó ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu và thời tiết. Dẫu vậy, những lập luận này đã bị chứng minh là vô căn cứ khi nghiên cứu cho thấy các đám mây chỉ mất một phần lượng nước khi mưa và sẽ nhanh chóng hấp thu hơi nước để bù đắp lượng ẩm đã mất.
Dù đem lại hiệu quả nhưng các chuyên gia cho rằng tạo mưa chỉ là một giải pháp tình thế, chứ không phải là "cây đũa thần" có thể giải quyết tình trạng thiếu nước bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.
Theo Báo Hà nội mới