Việc lựa chọn địa điểm để thả lưới được những lão ngư dày dặn kinh nghiệm thực hiện. Vì những người này có kinh nghiệm trong việc phán đoán luồng và hướng di chuyển của đàn cá. Đây được xem là khâu quan trọng nhất của nghề này.
Lưới sau khi được thả xuống biển theo hình cánh cung, ngư dân chia làm hai tốp, mỗi tốp từ ba đến bốn người để cùng nhau kéo lưới vào bờ. Đây là công việc nặng nhọc và mất nhiều sức nhất của nghề biển
Loại lưới mà ngư dân các xã bãi ngang Quảng Ngãi thường dùng để kéo cá thường có chiều dài từ một đến hai nghìn m, nhìn chung lưới có cấu tạo rất đơn giản gồm: cánh lưới, thân lưới và túi lưới. Khi kéo, lưới sẽ thon dần và tạo thành một chiếc túi hình nón nhốt cá lại phía đáy.
Một mẻ lưới thường phải mất từ hai đến ba giờ mới xong, đây là một công việc đòi hỏi tinh tập thể cao. Thông thường, một nhóm ngư dân làm nghề thường là anh em trong gia đình hay hàng xóm với nhau vì họ hiểu ý nhau và dễ dàng phối hợp trong công việc.
Thành quả thu được sau một mẻ lưới. Mỗi ngày, một ngư dân làm nghề này có thể kiếm được từ 150 đến 200.000 đồng, tuy không nhiều nhưng đây vẫn được xem là thu nhập chính của người dân ở các xã bãi ngang. Thành quả thu được sau một ngày dài vất vả bên tấm lưới được bán đi để tích góp nuôi sống gia đình, cho con cái ăn học…
“Chiến lợi phẩm” thu được thường được bán hết ngay trên bờ cho các nhà hàng, quán nhậu hay khách đi biển.
Vất vả, nặng nhọc và ẩn chưa hiểm nguy. Nhưng những mẻ lưới đầy ắp tôm, cá đã nuôi sống người dân các xã bãi ngang bao đời nay
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử