Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 -2020 và năm 2016.
Các chỉ tiêu chủ yếu
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%.
Về xã hội, đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
Trong lĩnh vực y tế, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 10.000 dân, năm 2016 đạt 24,5 giường. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 10%, năm 2016 dưới 13,8%.
Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3-1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25 m2, năm 2016 đạt 22,6 m2.
Về môi trường, đến năm 2020, có 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, năm 2016 là 83,5% và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, năm 2016 là 88%.
Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90%, năm 2016 là 85%. Có 80-85% chất thải nguy hại và 90-100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đến năm 2020 đạt 90%, năm 2016 là 86%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%, năm 2016 là 41%.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
Từ các mục tiêu nêu trên, Báo cáo của Chính phủ cũng đề ra những nhóm giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện. Trong đó, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội là giải pháp đầu tiên.
Cụ thể, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
”Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”, Báo cáo của Chính phủ khẳng định.
Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường. Đồng thời sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và các công cụ điều tiết, chính sách phân phối, phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được coi là mục tiêu, giải pháp lâu dài. Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ phải điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu-chi ngân sách Nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và tạo môi trường an toàn, thuận lợi, kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh để thu hút mạnh các nguồn lực vào đầu tư phát triển.
Đẩy mạnh xã hội hoá và thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công thiết yếu gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ phù hợp và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
Khai thác tốt các cam kết quốc tế, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Phát triển mạnh thị trường trong nước; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Nguồn: Chinhphu.vn