Thứ Ba, 26/11/2024 10:51:23 GMT+7
Lượt xem: 927

Tin đăng lúc 14-07-2021

Mục tiêu đến năm 2025, GDP Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,5-7%

Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam bình quân 5 năm tới đạt khoảng 6,5 - 7%.
Mục tiêu đến năm 2025, GDP Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,5-7%

Từ ngày 12-14.7.2021, Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn thảo nhiều nội dung chính: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

 

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, dự thảo Kế hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%.

 

Theo đó, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

 

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá khoảng 45%. Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP...

 

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời, đề nghị quan tâm một số nội dung, trong đó có việc cần hoàn thành và thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025;

 

Xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặc biệt; thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước; và tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM.

 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số. Xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quan trọng và nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia...

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang