Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:03:54 GMT+7
Lượt xem: 387

Tin đăng lúc 29-11-2023

Mừng hay lo trước con số xuất siêu lập kỷ lục mới?

Nếu xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng thì là điều đáng mừng. Nhưng ở đây, lại là xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm và nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Do đó, con số xuất siêu vẫn còn tiềm ẩn nhiều lo ngại.
Mừng hay lo trước con số xuất siêu lập kỷ lục mới?
Xuất khẩu nhóm hàng nông sản giúp gia tăng giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, Việt Nam xuất siêu lập kỷ lục 24,6 tỷ USD, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự báo nếu không có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng 2 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ rơi vào tăng trưởng xuất khẩu âm lần thứ hai kể từ khi đổi mới (năm 2009).

 

Nông sản góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu

 

Xuất siêu trong 10 tháng có thể coi là kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đây chính là một điểm sáng đáng ghi nhận. Xuất siêu lớn là yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá…

 

Con số xuất siêu kỷ lục có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp, chiếm tới 38%. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nông sản đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá ở những tháng cuối năm là thời điểm mà nhiều quốc gia sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản để đón năm mới.

 

Tại Vinasamex 2 quý cuối năm được coi là cao điểm xuất khẩu của doanh nghiệp vì mùa vụ chính sản phẩm quế hồi thu hoạch vào vụ thu. Chị Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex cho biết: "Thị trường Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu quế hồi. Đồng thời, với thị trường châu Âu thời điểm cuối năm cũng diễn ra nhiều lễ hội hoặc dịp kỷ niệm, nhu cầu mua quế hồi làm món ăn, trang trí cổng nhà sẽ tăng cao. Dựa trên sự cần thiết của khách hàng thì chúng tôi tập trung năng lực vào thời gian cuối năm".

 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết ngay khi Mỹ chính thức việc phê duyệt nhập khẩu dừa non Việt Nam các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đã chuẩn bị lượng dừa tươi lớn và dừa chế biến để xuất khẩu sang Mỹ.

 

“Chúng tôi đang đẩy mạnh xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ. Trước đó mỗi tháng chúng tôi đã xuất khoảng 30 container sang Mỹ. Dự báo trong quý IV này xuất khẩu dừa sẽ tăng”, ông Tùng cho hay.

 

Trong khi đó, bà Phạm Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Cười (Cocosmile) đánh giá khi có thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch từ Mỹ, ngành dừa sẽ nhanh chóng tham gia câu lạc bộ tỷ USD.

 

Có thể thấy, xuất khẩu nông sản đang là chủ lực, tính riêng tháng 10 năm nay, xuất khẩu nông sản đạt 4,81 tỷ USD, tăng hơn 7% so với tháng 9 và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo hai tháng cuối năm xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ thị trường  châu Âu và Bắc Mỹ có sự hồi phục.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, thị trường cuối năm đặc biệt Châu Âu, Bắc Mỹ có sự hồi phục trước mùa mua sắm cuối năm, tín hiệu để các nhà phân phối đẩy mạnh nhập hàng cũng như dự trữ hàng. Từ tháng 9 tăng trưởng nhập khẩu khá rõ. Mặt khác, chúng ta thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản sang trung quốc rất tốt, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm".

 

Vẫn còn nỗi lo

 

Tuy nhiên, tổng thể chung thì không phải ngành nào cũng tăng tốc như nông nghiệp. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa là 557,9 tỷ USD, giảm gần 60 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 291,2 tỷ USD, giảm 7,1% (giảm 22,2 tỷ USD). Giá trị nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% (giảm 37,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, cả nước xuất siêu 24,61 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (xuất siêu 9,56 tỷ USD).

 

Một chuyên gia nhận định nếu xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng thì là điều đáng mừng. Nhưng ở đây, lại là xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm và nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu.

 

Đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện này được nhắc tới. Nỗi lo suy giảm động lực sản xuất đã được đề cập rất nhiều, khi nhìn từ con số xuất siêu lớn. Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, nhập khẩu giảm, xuất siêu lớn là chỉ dấu cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang tiếp tục đối mặt với khó khăn.

 

Nhận định về thị trường xuất nhập khẩu 10 tháng qua, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết các nhóm mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, vải, sản phẩm điện tử và linh kiện.

 

Thiếu đơn hàng xuất khẩu được coi là nguyên nhân khiến không chỉ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, mà là cả nền kinh tế gặp khó. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và chừng nào điều này còn tiếp tục, thì xuất siêu còn tiếp tục tăng.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm khi lạm phát của các nước lớn trên thế giới có có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm là những tín hiệu khả quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

 

Biểu hiện rõ nhất là hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 sau khi chững lại trong tháng trước. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tăng như: nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng tới 26,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,4%; vải các loại tăng 8%, thép các loại tăng 35,2%; xăng dầu các loại tăng 44,8%...

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó là tín hiệu từ tổng cầu thế giới, còn về dài hạn muốn xuất khẩu đóng góp thực sự vào tăng trưởng kinh tế thì phải chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao.

 

Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm...

 

Các chuyên gia nhận định, khi thương mại khởi sắc, sản xuất sẽ được gỡ khó. Và lúc ấy, có lẽ sẽ không còn phải canh cánh nỗi lo đằng sau con số xuất siêu kỷ lục.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang