Biết bao công việc chồng chất, bộn bề. Bước đầu hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, Tạp chí mới phát hành chưa có lượng độc giả biết đến; Tôn chỉ mục đích đã có, nhưng chưa lan toả sâu rộng trong thực tế ở các doanh nghiệp lớn và địa phương; Nguồn thu về rất hạn chế, lãnh đạo nửa năm không có lương; Cán bộ phóng viên tuyển về đủ số lượng cần thiết, nhưng trình độ và kỹ năng tác nghiệp ở cơ sở còn rất yếu, chưa khai thác được và chưa có thành quả… Tất cả những khó khăn ấy đặt ra cho người đứng đầu bài toán phải nỗ lực tìm ra đáp số đúng, phù hợp.
Cũng phải ghi nhận là Tổng biên tập Nguyễn Văn Đừng, hàm Vụ trưởng Bộ Công Thương, một nhà báo lão luyện đã từng làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương, một tờ báo có “thương hiệu đình đám” của hệ thống truyền thông Quốc gia có nhiều mối quan hệ từ trên Bộ đến cơ sở và các địa phương, kết hợp với lòng nhiệt huyết đam mê nghề nghiệp, ông thực sự là động lực, là chất keo gắn kết chúng tôi quyết tâm nỗ lực vượt khó. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa đào tạo cho các phóng viên về kỹ năng tác nghiệp ở cơ sở. Kết thúc năm đầu tiên, Tạp chí dần ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Nhận định về điều này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã nhấn mạnh: “Trong thời kỳ khó khăn này mà Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng vẫn hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, có đủ việc và có thu nhập cho cán bộ phóng viên, lại giữ vững được phẩm chất, đạo đức người làm báo, không sa ngã, vấp váp thì thật sự đáng mừng và rất trân quý. Tôi rất mong Tạp chí tiếp tục phát huy tinh thần hăng say, yêu nghề, vượt khó, giành nhiều thành quả, xứng đáng là cơ quan thông tin lý luận của Hiệp hội, là diễn đàn chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý của ngành công nghiệp vừa và nhỏ nói chung”.
Nhớ lại những ngày đầu đi vào hoạt động không thể kể hết biết bao khó khăn vất vả, chông chênh, vậy mà bằng nỗ lực không ngừng từng ngày, từng tháng, đến nay chúng ta đã nhận được trái ngọt xứng đáng, khi kết quả hoạt động đã tăng dần qua mỗi năm. Từ lúc lãnh đạo chỉ có hai người, cán bộ phóng viên về ào ạt sau thấy khó khăn lại ra đi, đến nay chúng ta đã có Chi bộ Đảng, Chi hội nhà báo, có đội ngũ cán bộ trẻ hóa năng động, đầy nhiệt huyết, nhiều phóng viên được đào tạo cơ bản, có trình độ viết bài và tác nghiệp cơ sở chuyên nghiệp, các mối quan hệ với nhiều địa phương và các Bộ ngành được gắn kết, hiệu quả. Độ lan toả của Tạp chí ngày càng sâu rộng trong lòng bạn đọc gần xa. Ấn phẩm hàng tháng đều in 4 màu trên giấy đẹp, thiết kế bắt mắt, hấp dẫn các doanh nghiệp và độc giả. Tạp chí ngày càng khẳng định được vị thế vững chắc trong làng báo Việt Nam nói chung và khối Tạp chí nói riêng. Điều đó càng chỉ rõ năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, phóng viên, các nhà báo trẻ luôn hăng hái, nhiệt tình, tràn đầy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm xây dựng Tạp chí ngày càng phát triển.
Lãnh đạo Tạp chí và Phóng viên thường trú làm việc với lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Định (năm 2019)
Chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được trong 10 năm qua, tuy vẫn còn khiêm tốn, song thiết nghĩ, giữa lúc khó khăn của nền kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay, hàng loạt các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, hạn chế đầu tư công và chi phí xã hội khác, những tác động đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ quan báo chí có cơ chế tự chủ, tự hạch toán thu chi tài chính. Tuy vậy, bằng nhiều giải pháp tích cực, vận dụng các mối quan hệ và năng lực tiếp cận đối tác của người đứng đầu, Tạp chí vẫn lần tìm ra các bước đi phù hợp…
Nhân sự kiện 21/6, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là năm Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng tròn 10 năm thành lập, với tư cách là nhà báo già, tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp của mình những suy nghĩ được đúc rút từ bao năm tháng miệt mài, lăn lộn trong nghề báo, với đầy ắp những mồ hôi, công sức và sự nếm trải, ở đó có cả đắng cay, ngọt bùi. Một là, khi đã dấn thân vào nghề báo, trước hết chúng ta phải có tâm sáng, yêu nghề…
Hai là tích cực trau dồi, gọt giũa kiến thức từ thực tiễn sinh động, kiến thức không có từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất chui lên mà tự ta phải đúc kết từng ngày, từng giờ, tích cực học hỏi, bồi đắp cho mình có lượng kiến thức xã hội phong phú để khi tác nghiệp ở cơ sở mới hấp dẫn đối tác và sẽ thu được kết quả.
Ba là rèn luyện đức tính cầu thị, khiêm nhường, chú ý lắng nghe đối tác, cấp trên, cấp dưới trình bày. Có những lúc phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng, hãy bình tĩnh lắng nghe, rồi tìm đối sách phù hợp, hài hoà để được việc, không gây tổn thương và mếch lòng cho đối tác và mọi người.
Bốn là xây dựng tác phong công nghiệp, khoa học, việc nào gọn việc ấy, khi được giao nhiệm vụ phải chú tâm đào sâu suy nghĩ, quản lý quỹ thời gian sao cho phù hợp, logic, việc hôm nay chớ để ngày mai, sẽ bị lãng quên, cần phải sắp xếp thời gian xử lý từng việc một cách kịp thời nhất.
Năm là hãy nhận diện vấn đề xã hội một cách bình tĩnh, chuẩn mực, chính xác, không nên nôn nóng, nông nổi nhận xét, đánh giá vội vàng, cẩu thả, phải soi xét các vấn đề, nhận diện nó một cách đa chiều, phong phú, theo nhiều lăng kính khác nhau, vì sự vật hiện tượng chuyển động biến thiên không ngừng theo mọi thời khắc, không gian và chịu chi phối của khách quan. Làm được việc này phải rèn sâu kinh nghiệm, đúc dày kỹ năng lắm mới có con mắt tinh đời, thông tuệ được.
Đấy là những điều tâm huyết mà tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp yêu mến của mình nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và sự kiện 10 năm Tạp chí thành lập, 10 năm thuở ấy không quên những chặng đường gian khó. Chúc các đồng nghiệp luôn sáng tâm, bền chí, thông tuệ, mẫn tiệp đoàn kết sát cánh bên nhau xây dựng Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng - ngôi nhà chung của chúng ta ngày càng đơm hoa kết trái và không ngừng phát triển.
Nhà báo Lê Xuân Trường
Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí công nghiệp và Tiêu dùng