Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo trên hệ thống nội bộ về quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ 1/8/2017 - 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ.
Theo đó, mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg; mức thuế cho bị đơn tự nguyện cũng là 0 USD/ kg; mức thuế toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Kỳ vọng khôi phục
Mức thuế này thấp hơn khá nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR14, mức thuế 1,37 - 2,39 USD/kg). Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) XK liên quan của Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác đầy đủ với DOC và Bộ Công Thương trong các giai đoạn tiếp sau của vụ việc để bảo đảm kết quả cuối cùng khả quan, tích cực.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và các năm đều tiến hành rà soát mức thuế áp dụng. Với kim ngạch XK cá tra sang Mỹ đạt khoảng 550 triệu USD năm 2018, kết quả tích cực của POR15 phần nào hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN XK cá tra hiện nay.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9/2019, tổng giá trị XK cá tra là 1,46 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 9, giá trị XK giảm tiếp 14,6%; trong đó giá trị XK sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia cũng giảm sút mạnh. Thậm chí thị trường Mexico, Brazil, Colombia còn được dự báo nằm trong ngưỡng tăng trưởng âm so với năm 2018 từ nay đến cuối năm.
Thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đang là thị trường trọng điểm của cá tra Việt Nam chiếm tới gần 31% tổng giá trị XK (tính đến hết tháng 9/2019), tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Mỹ đứng thứ 2 đạt 208,3 triệu USD, chiếm 14,3% tổng giá trị XK, giảm 43,6% so với cùng kỳ. Theo VASEP, cho tới thời điểm này, đây là mức sụt giảm lớn và đáng chú ý tại thị trường Mỹ trong 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, XK cá tra sang thị trường EU trong 9 tháng đầu năm nay tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 189,3 triệu USD (3 thị trường XK đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan giảm 1,9%; Anh tăng 23,8%; Đức tăng 32,5%).
Tại thị trường ASEAN, XK cá tra Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại khi tính tới hết tháng 9, giá trị XK đạt 147,5 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù đón nhận tín hiệu tích cực từ mức thuế sơ bộ của POR15 nhưng kết quả này vẫn chưa thể đem lại niềm vui trọn vẹn cho DN, bởi kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau 120 ngày nữa.
Từ nay đến lúc đó có thể sẽ có những thay đổi so với kết quả sơ bộ và đây mới là kết quả được đưa vào áp dụng. Thời gian vừa qua, những diễn biến phức tạp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đã gián tiếp tác động không nhỏ đến tình hình XK cá tra của Việt Nam.
Cụ thể, việc Mỹ áp thuế cao đối với một số mặt hàng thủy sản thế mạnh của Trung Quốc trong đó mặt hàng cá rô phi là chủ yếu đã khiến DN nước này quay trở lại phục vụ thị trường nội địa. Động thái đó làm giảm thị phần của mặt hàng cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, trong khi đây đang là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Trước đó, VASEP cũng đưa ra nhận định về việc sự sụt giảm kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng tới kim ngạch XK chung và khó bù đắp lại sự thiếu hụt ở một số thị trường lớn.
VASEP dự báo XK cá tra 2 tháng cuối năm tiếp tục giảm, tuy nhiên không vượt quá 10% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của tình hình XK nên giá cá tra nguyên liệu trong thời gian tới khó có thể tăng cao.
Ngoài ra, giả sử cá tra Việt Nam sẽ được nhận mức thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ thì việc chinh phục được thị trường này bằng sản xuất chất lượng, đảm bảo các yêu cầu gắt gao của các nhà nhập khẩu khó tính cũng là một thách thức không nhỏ của DN.
Trước đó, theo chia sẻ của một lãnh đạo DN XK cá tra, tình trạng thiếu giống cá tra chất lượng cao do thời tiết xấu đang ngày càng trở thành một trở ngại. Đồng thời, cá tra Việt Nam cũng không còn thời vàng son như trước đây, hiện đã có nhiều quốc gia bắt đầu sản xuất cá tra XK và cạnh tranh với Việt Nam.
Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng cho cá tra từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến thì khâu quảng bá và xây dựng thương hiệu cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Nguồn Thời báo kinh doanh