Lỗ hổng trong quản lý
Là hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, mỹ phẩm hiện thuộc sự quản lý của Bộ Y tế. Cục Quản lý Dược Nguyễn Văn Lợi cho biết, pháp luật hiện đang tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời cam kết không có chất cấm không được sử dụng là có thể được hoạt động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này với các hành vi sai phạm như công thức trong mỹ phẩm không đúng như đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất…
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên cho rằng, khi chuyển sang cơ chế hậu kiểm thì trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về cơ quan quản lý mà còn thuộc về doanh nghiệp. Hiện sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế mà còn tuân thủ Bộ quy chuẩn của khu vực và thế giới yêu cầu. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, công thức, giám sát quá trình sản xuất, nguyên phụ liệu, người tham gia sản xuất, hậu mãi… nhưng hầu hết doanh nghiệp mơ hồ về trách nhiệm này.
Đặc biệt, bà Liên cũng chỉ ra, hàng handmade hiện nay rất phát triển nhờ xu hướng bán hàng online. Mặt hàng này thường được sản xuất tại các cơ sở nhỏ hay tại các phòng thí nghiệm nhỏ nên việc kiểm soát về vi sinh vật, độ ẩm, không khí... không sánh được với các cơ sở được trang bị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do giá thành rẻ hơn nên mỹ phẩm handmade lại cạnh tranh với sản phẩm của các hãng lớn. Đây là rào cản cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm một cách bài bản, bà Liên nhận định.
Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, từ khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan quản lý chưa kịp bắt nhịp, làm đúng làm đủ theo kiểu hậu kiểm. Nếu làm đúng, làm đủ thì doanh nghiệp sẽ “run tay”, không dám công bố các số liệu “vống” lên. “Việc cứ xuống kiểm tra là công bố trước cả tháng thì không bao giờ hiệu quả”, ông Truyền nói.
Giải pháp từ 3 phía
Để hạn chế tình trạng trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, đầu tiên phải giáo dục được ý thức của các chủ doanh nghiệp, dù điều này rất khó do làm mỹ phẩm giả đem lại lợi nhuận cao. Thứ hai, cơ quan quản lý cần phải kiểm soát ngay từ ban đầu đầu, có chế tài xử phạt răn đe, trong đó chuyện kiểm soát chất lượng ở Bộ Y tế cần phải nâng cao hơn nữa. Thứ ba, nâng cao ý thức của người tiêu dùng thông qua việc những người làm mỹ phẩm chân chính họp nhau lại để đưa ra một thông điệp truyền thông tốt. Thông điệp có thể là một chiến dịch để người tiêu dùng nhận ra mỹ phẩm giả, kém chất lượng không làm chết người ngay nhưng ảnh hưởng rất lớn sức khỏe.
Đại diện nhãn hàng mỹ phẩm C’N Nguyễn Văn Cường chia sẻ, thị trường xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và tạo sự cạnh tranh không công bằng. Để ứng phó, nhãn hàng này đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như kiểm tra online, kiểm tra mã QR để hỗ trợ khách hàng nhận diện đúng sản phẩm chính hãng. Ông Cường đề xuất, cơ quan quản lý cần có kênh phản ánh thông tin và xây dựng dữ liệu báo cáo những thương hiệu, tên tuổi mỹ phẩm nào đang có nhiều hàng giả. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần thường xuyên đào tạo cho đại lý bán hàng của mình thông tin được điều này đến người tiêu dùng.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Tae Hwa Jang - Giám đốc điều hành Thế giới mỹ phẩm K-Beauty cho biết, các công ty sản xuất mỹ phẩm của nước này được quản lý rất chặt chẽ bằng mã số và người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm. Đồng thời, ông Tae Hwa Jang cũng đánh giá, thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn và nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài cũng muốn thâm nhập. Do đó, ông Tae Hwa Jang kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể kiểm tra được. Về phía các doanh nghiệp cần làm việc có tâm hơn để đưa những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dùng cũng phải thông minh hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.
Nguồn Daibieunhandan.vn