Những năm gần đây, mỹ phẩm xách tay đang nổi lên như một cơn sốt. Bên cạnh sự đa dạng về thể loại, chúng còn có giá rẻ hơn hẳn hàng nhập khẩu chính ngạch qua các công ty phân phối. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý ham rẻ và thiếu kinh nghiệm của một bộ phận người tiêu dùng, các sản phẩm nhái, giả đang lũng đoạn thị trường, thậm chí lấn át hàng thật.
Hàng xách tay loạn giá, người dùng chịu thiệt
Có nhu cầu tìm mua chai xịt khoáng dưỡng da từ thương hiệu Avene của Pháp, Trần Mỹ Lan (phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy thật sự “loạn” khi tham khảo một số nơi cung cấp. Cô sinh viên cho biết: “Em được bạn bè giới thiệu một địa chỉ kinh doanh hàng xách tay đang bán chai xịt khoáng Avene thể tích 300ml với giá 350 nghìn đồng. Tuy nhiên, hôm nay vào facebook, em tình cờ thấy có người chỉ rao giá hơn 200 nghìn cho sản phẩm này, lại miễn phí giao hàng tận nơi nên rất phân vân”.
Son kem Bourjois thật và nhái
Tương tự Lan, Hải Hà (Mỗ Lao, Hà Đông) muốn mua một thỏi son Bourjois. Ban đầu, cô định tới gian hàng của thương hiệu này tại trung tâm thương mại như Vincom, Lotte. Tuy nhiên, Hà không khỏi đắn đo vì giá son Bourjois trên thị trường xách tay chỉ 250 nghìn đồng, trong khi hàng chính hãng có giá hơn 400 nghìn. Hà chia sẻ: “Điều kiện kinh tế còn eo hẹp nên tôi tính mua hàng xách tay cho tiết kiệm. Bên bán khẳng định họ nhập son từ Pháp, không mất thuế, chi phí mặt bằng, quảng cáo… nên để giá rẻ”.
Dù bán tín bán nghi nhưng mức giá hấp dẫn đã khiến Lan gọi điện đặt hàng chai xịt khoáng Avene trên mạng. Khi nhận được chai xịt khoáng, Lan sử dụng thời gian ngắn đã thấy vòi xịt lỏng lẻo. Đến khi một cô bạn “sành” mỹ phẩm mang chai xịt khoáng ra so sánh với sản phẩm Lan mua, Lan mới biết mình bị lừa. “Em nhắn tin qua facebook cho shop đó, họ chối bay chối biến. Tới khi em gửi ảnh đối chiếu thuyết phục và bảo sẽ cảnh báo tới nhiều khách hàng trên mạng, chủ shop mới bảo đền cho em nửa giá tiền”.
Không may như Lan, Thanh Vân (phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) đã phải vào viện da liễu để chữa trị vì mỹ phẩm giả. Cô kể lại: “Tôi mua phải chai xịt chống nắng giả sản phẩm Avene ở một shop xách tay trên phố Trần Nhân Tông. Tôi dùng ba ngày thì ngứa ngáy, mẩn đỏ không chịu nổi. Tôi hoàn toàn không nghĩ nguyên nhân do chai xịt kia mà chỉ cho rằng mình bị dị ứng thời tiết giao mùa. Tới khi vô tình xem trên facebook bài phân biệt thật giả thì mới biết chai xịt chống nắng của mình là hàng fake”.
Chai xịt khoáng Avene giả khó phân biệt với hàng thật. Hàng giả chữ in đậm, bị nhoè do quét lại nhãn mác của hàng thật, chất giấy giới thiệu dày. Hàng thật chữ in mảnh, sắc nét.
Mỹ phẩm nhái, giả trà trộn tinh vi
Chưa có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, do đó thị trường mỹ phẩm xách tay là hiện miếng bánh béo bở để hàng giả, hàng nhái tung hoành. Các mối cung cấp hàng nhái thường lợi dụng danh nghĩa sản phẩm được mua tại Pháp, Nhật… gửi người nhà, tiếp viên mang về theo đường hàng không như đồ xách tay chuẩn. Với nguồn hàng số lượng lớn, mức giá chiết khấu hấp dẫn và trình độ làm giả tinh vi, các gian thương này dễ dàng trở thành nhà cung cấp “ruột” cho không ít shop mỹ phẩm.
Chị Nguyễn Thị Huệ – chủ một shop xách tay tại phố Yên Thế, quận Ba Đình, Hà Nội – chia sẻ: “Bản thân tôi có người nhà tại Pháp và Đức, trực tiếp gửi mua không qua trung gian. Tuy nhiên, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy giá buôn nhiều nơi còn rẻ hơn giá tôi mua tận gốc tại nước ngoài có thẻ giảm giá, chiết khấu. Không ít mối hàng đã nhắn tin qua facebook, gọi điện chào mời. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của người bán hàng và tham khảo các nguồn trên internet, tôi kiểm tra và biết đó là hàng nhái”.
Để chứng minh, chị Huệ đưa ra hình ảnh một số sản phẩm giả do khách hàng gửi: “Nhiều cửa hàng nhập về còn thật sự không biết đó là đồ rởm do trình độ làm giả quá tinh vi. Ví dụ, chai xịt khoáng Avene giả nhập vào chỉ bằng nửa giá thường nhưng có đủ giấy giới thiệu, hạn sử dụng, lớp nilon bảo vệ… Phải rất tinh ý mới có thể phân biệt. Hoặc tẩy trang Bioderma thật có phần nhựa bảo vệ sắc nét, hàng giả thì nham nhở, chữ đậm hơn và nhoè. Son Bourjois tem bảo vệ chữ nhoè, không có răng cưa…”
Theo chuyên gia da liễu, sử dụng mỹ phẩm giả, nhái là nguyên nhân hàng đầu khiến cho nhiều chị em phải can thiệp y tế mỗi năm. Tệ hại hơn là trong số đó, không ít người đã mất nhiều tiền để điều trị mà ‘tật vẫn mang’.
Nguồn VietQ.vn