Đưa điện ra hải đảo hết sức tốn kém, nhưng bà con vẫn được hưởng giá điện như ở đất liền. Còn đối với những hộ dùng điện trên 100 kWh trở lên, ngành điện đang thực hiện theo giá thị trường.
Về những nhân tố tác động tới giá điện đầu vào là chênh lệch tỷ giá, mới đây các bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… đã tính toán vấn đề điều chỉnh cung độ, mức độ điều chỉnh giá. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, giá điện năm nay chịu rất nhiều tác động của chi phí đầu vào như giá than, giá khí, biến động tỷ giá… Dù Chính phủ đã yêu cầu giá điện phải theo cơ chế thị trường, tức là tăng/giảm theo các yếu tố đầu vào, nhưng hiện nay, việc điều chỉnh giá cũng phải dựa vào tình hình kinh tế -xã hội, đời sống nhân dân và sức chịu đựng của doanh nghiệp. Chủ trương chung là phải cân đối cả yếu tố chi phí đầu vào - tức không để cho EVN quá lỗ, dẫn đến khó khăn, mặt khác tiến dần tới cơ chế thị trường và vẫn cần điều tiết của nhà nước. Thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, các nhà máy thủy điện đầy đủ nước nên ngành điện đã huy động nguồn phát thủy điện để giảm phát điện bằng dầu DO, FO giá cao, góp phần ổn định giá điện. Việc không tăng giá điện trong năm qua đã đóng góp quan trọng cho việc ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, giảm bớt khó khăn cho đời sống người có thu nhập thấp.
Nguồn: Báo Công Thương