PV: Chúng tôi được biết Bia Sài Gòn đã thay đổi chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước. Vậy, nội dung Đại hội lần này có gì khác so với trước, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Dũng: Tháng 12/2017, tỷ phú người Thái (Thaibev) đã mua 53,59% số cổ phần nhà nước tại SABECO. Tại Bia Sài Gòn – Miền Trung, SABECO đang nắm giữ 32% vốn điều lệ. Đại hội lần này sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2 (2013-2018 ) bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 3 (2018- 2023), SMB là Công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán nên điều khác biệt so với cơ cấu HĐQT trước đây, HĐQT lần này phải có 01 thành viên độc lập.
PV: Theo báo cáo về kết quả sản xuất - kinh doanh, năm 2017 Công ty đều hoàn thành vượt cao trong điều kiện mà yếu tố thuận lợi chưa nhiều? Ông có thể cho biết nguyên nhân cơ bản nào để đạt được kết quả đó?
Ông Huỳnh Văn Dũng: Năm 2017, trong sản xuất kinh doanh Công ty đều tăng trưởng khá, cụ thể: Tổng doanh thu đạt 1.216 tỷ/kế hoạch 1.135 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng/kế hoạch 125 tỷ đồng; nộp ngân sách 952 tỷ/kế hoạch 936 tỷ đồng; cổ tức 30%. Để đạt kết quả đó, chúng tôi cho rằng có nguyên nhân cơ bản: Trước hết, Công ty đầu tư kịp thời dây chuyền sản xuất bia lon Sài Gòn, duy trì chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh bằng việc phát triển các sản phẩm như: Bia địa phương; bia tươi; sữa bắp; sữa gạo lít; nước uống đóng chai… và đề ra các giải pháp tiết giảm chi phí trên tất cả các khâu trong điều hành sản xuất - kinh doanh. Điều đáng nói là nội bộ đồng tâm vượt qua khó khăn...
PV: Một số cổ đông dự Đại hội có những băn khoăn là, khi Thaibev nắm giữ 32% vốn điều lệ tại SMB, họ sẽ có chủ trương gì để phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bia Sài Gòn tại thị trường Tây Nguyên và miền Trung ngay trong năm 2018 này, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Dũng: Tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn của một số cổ đông là đúng. Vì, Công ty SMB chỉ là Công ty Liên doanh với Bia Sài Gòn số vốn Điều lệ SABECO nắm giữ chưa đủ 51% nên không phải là Công ty con của Bia Sài Gòn. Tuy vậy, theo tôi Bia Sài Gòn sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới bởi trình độ quản trị của Tập đoàn Thaibev rất chuyên nghiệp, có hệ thống bán lẻ tại Việt Nam và khu vực cũng như trên thị trường quốc tế khá mạnh, vì vậy kế hoạch của Tập đoàn Thaibev đưa ra tăng trưởng 10%/năm. Bên cạnh đó, thị trường miền Trung và Tây Nguyên sức tiêu thụ bia Sài Gòn là khá lớn, bình quân đạt 400 triệu lít/năm, trong khi đó 3 Nhà máy của Công ty kế hoạch sản xuất được giao là 140 triệu lít/năm, rõ ràng trong chiến lược sản xuất kinh doanh phải tính đến việc phát triển bền vững thị trường trong khu vực này. Đối với Công ty trong năm 2018, để hoàn thành các chỉ tiêu: Doanh thu 1.343 tỷ đồng; Nộp ngân sách 1.139 tỷ đồng; Lợi nhuận đạt 115 tỷ đồng, chúng tôi kiến nghị: SABECO tính toán tăng giá gia công bia Sài Gòn trước tình hình giá vật tư, nguyên vật liệu, thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo hiểm xã hội, y tế… tăng. Mặt khác, Công ty tiếp tục duy trì và phát triển sản phẩm tự doanh. Về lâu dài, nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chúng tôi kiến nghị cho đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Quy Nhơn, mở rộng nâng công suất dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Đắk Lắk và dây chuyền sản xuất bia chai tại Nhà máy Bia Phú Yên.
PV: Xin cám ơn ông!
Trần Minh Thùy (thực hiện)