Thứ Sáu, 22/11/2024 13:48:59 GMT+7
Lượt xem: 2151

Tin đăng lúc 05-10-2018

Năm 2018: Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 237 - 239 tỷ USD

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa năm 2018 có thể đạt từ 237 - 239 tỷ USD, tăng khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu đạt khoảng 2 tỷ USD.
Năm 2018: Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 237 - 239 tỷ USD

Công nghiệp chế biến - động lực của xuất khẩu

 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa 9 tháng năm 2018 ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 127,84 tỷ USD, tăng 14,6%.


Kim ngạch nhập khẩu (NK) 9 tháng ước đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại cao, với con số xuất siêu lên tới 5,39 tỷ USD; trong đó, khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu 23,65 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD.

 

Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu sau 3 quý đầu năm, bà Nguyễn Thị Mai Linh - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, trong nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, 2 mặt hàng hiện có kim ngạch XK cao là gạo và thủy sản đang tăng trưởng dương. Tuy nhiên, mức tăng không được như thời gian trước do khó khăn về thị trường. Ngoại trừ gạo, sắn, chè, giá các loại nông sản đang giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2017.

 

Nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực của XK, trong đó, điện thoại là một trong những mặt hàng có đóng góp lớn nhất. Có đến 2 tháng kim ngạch XK cả nước đạt mức cao kỷ lục trên 21 tỷ USD/tháng là tháng 3 (21,133 tỷ USD) và tháng 8 (23,481 USD) nhờ một phần lớn vào mức tăng trưởng cao của mặt hàng này (kim ngạch XK điện thoại trong hai tháng này đều đạt trên 5 tỷ USD).

 

Có thể thấy, tăng trưởng XK cao của nhóm hàng công nghiệp chế biến không chỉ dựa vào điện thoại di động mà các mặt hàng XK truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ đều đã đạt những kết quả tích cực. Đáng chú ý, kim ngạch XK dệt may 9 tháng đã đạt mức tăng 17,1%, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng 8,7% cùng kỳ năm trước.

 

Nhiều cơ hội tăng trưởng

 

Ước tính, kim ngạch XK hàng hóa năm 2018 sẽ tăng khoảng 10 - 12%, đạt khoảng 237 - 239 tỷ USD, kim ngạch NK đạt 235 - 237 tỷ USD, xuất siêu khoảng 2 tỷ USD. Những tháng cuối năm, cơ hội tăng trưởng XK từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan. Bên cạnh đó, theo lộ trình của các cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thuế NK hàng hóa sẽ giảm dần về 0%, tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành đang triển khai nhiều giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản xuất và đẩy mạnh XK hàng hóa.

 

"Mới đây, trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 với cá tra và lần thứ 12 với tôm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định áp mức thuế tương đối thấp so với trước đây. Quyết định này sẽ giúp tạo động lực thúc đẩy XK thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, sang Mỹ vào năm 2018, 2019" - bà Nguyễn Thị Mai Linh cho biết.

 

Tuy vậy, XK cũng có những thách thức như xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, làm gia tăng các rào cản thương mại. Do đó, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, tổng hợp tình hình các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp đa dạng hóa thị trường; tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...

 

Thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ được đổi mới toàn diện theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, chú trọng các chương trình XTTM dài hơi, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể thay cho các chương trình chỉ thực hiện trong vòng một năm như hiện nay....

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang