Việt Nam top 6 nền TMĐT toàn cầu
Theo Statista, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 2,269 triệu USD và nằm trong top 6 nền TMĐT phát triển nhất toàn cầu năm 2018. Những con số ấn tượng trên đã củng cố niềm hi vọng thu quả ngọt của những đại gia TMĐT đối với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam.
Kết thúc năm 2018, bảng xếp hạng các trang TMĐT Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt, Shopee vươn lên vị trí số 1 với 34,5 triệu lượt truy cập trong năm 2018, ngay sau đó là Thegioididong với 30,3 triệu lượt truy cập, đứng thứ 3 là LazadaVN với 30,2 triệu lượt truy cập. So với năm 2017, đã cho thấy có sự đổi ngôi, Lazada nhường ngôi vương cho Shopee và ngậm ngùi đứng vị trí thứ 3. Năm 2018 có thể là năm khá thành công của Shopee khi là ứng dụng trên hai nền tảng iOS và Android đều đứng vị trí số 1, ngay sau là Lazada.
Số lượng khách hàng mua trên các trang TMĐT đã tăng 2,6% so với năm 2017 lên có số 49,8 triệu người. Đáng chú ý là xu hướng mua sắm trên di động đạt 72%, nghĩa là cứ 10 người thì có 7 người đã từng mua sắm online trên các thiết bị di động. Thế hệ mua sắm chủ lực đang dịch chuyển dần sang Millenials và trong tương lai không xa sẽ là Thế hệ Z (Gen Z). Hai thế hệ này có điểm chung là dành rất nhiều thời gian trên mạng và sử dụng các thiết bị di động. Những ứng dụng mua sắm trên điện thoại này mang lại cho người dùng trải nghiệm mua sắm đơn giản, thuận tiện và mượt mà.
Theo nghiên cứu của eShopWorld, Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và dự kiến tăng lên 42 triệu người vào năm 2021 cho thấy dư địa để thị trường TMĐT Việt Nam phát triển không phải là nhỏ.
Nhiều kẻ bỏ cuộc chơi
Mặc dù nhiều chuyên gia dự báo trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, tuy nhiên đây lại là miếng bánh không dễ ăn, hiện đã có nhiều thương hiệu rời bỏ cuộc chơi như Beyeu, Deca, Foodpanda… và nhiều doanh nghiệp rút lui lặng lẽ.
Hãy nhìn vào số lỗ của các trang TMĐT đứng đầu Việt Nam để có thể thấy sự cạnh tranh khốc liệt về vốn trường kỳ là điều không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Tính tới cuối năm 2017, Tiki đã có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với với gần 400 tỷ đồng mà VNG rót vào doanh nghiệp này đầu năm 2016 đã được tiêu hết.
Lazada đang thể hiện là "tay chơi" chịu chi nhất trên thị trường, thể hiện qua việc lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Với việc các đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ khả năng mức lỗ năm 2017 của Lazada đã vượt lên trên con số 1.000 tỷ đồng - khi đó lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 có thể lên gần 4.000 tỷ đồng.
Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng – tức gấp đôi so với mức lỗ của Tiki. Nhận định về thị trường thương mại điện tử trong năm 2018, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam đánh giá: "Tỷ trọng thương mại điện tử trong ngành bán lẻ ở Việt Nam vẫn chỉ 2- 3%. Tiềm năng phát triển thị trường TMĐT còn rất lớn, tuy nhiên còn rất nhiều thứ phải cải thiện".
Với sự thành công của Shopee trong năm 2018, ông Tuấn cho rằng "so với bức tranh tổng thể thì chưa là gì và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu".
Nguồn Enternews