Thứ Sáu, 22/11/2024 04:51:55 GMT+7
Lượt xem: 2877

Tin đăng lúc 18-03-2019

“Năm 2019,để kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị cần phải thay đổi”

Năm 2018, kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2019 do ngân hàng thế giới mới công bố, VN đang đứng đầu Đông Nam Á về thực hiện 18 cải cách trong 5 năm qua, trong đó, các Nghị quyết của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh đã tác động tích cực đến doanh nghiệp (DN).
“Năm 2019,để kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị cần phải thay đổi”

Theo các chuyên gia kinh tế, để kinh tế VN tăng tốc, bứt phá trong năm 2019 thì cả DN, chính quyền địa phương cũng như cả hệ thống chính trị cũng cần phải thay đổi.

 

Những dấu ấn trong cải cách thể chế

 

Với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là DN khởi nghiệp, DN khởi nghiệp sáng tạo, trong năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ DN phát triển, nổi bật là việc rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách các thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là giám sát thực hiện các TTHC đã quy định. Cũng trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ đã tăng cường các buổi đối thoại về chính sách pháp luật với các DN, hiệp hội ngành nghề và các tầng lớp nhân dân, qua đó nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc mà DN mắc phải trong quá trình hoạt động kinh doanh, đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Việc cắt giảm các TTHC, các điều kiện kinh doanh đã giúp giảm thời gian và chi phí cho DN. Tác động lớn nhất đối với cộng đồng DN chính là việc môi trường kinh doanh có thể tiên liệu được, họ biết rằng làm việc này cần bao nhiêu thời gian, và điều quan trọng nhất là niềm tin của các DN khi tiến hành kinh doanh và niềm tin của đối tác kinh doanh khi làm ăn với các DN Việt Nam đã tăng lên” – ông Lộc nhấn mạnh.

 

Việc thay đổi các chính sách, sự lắng nghe của Chính phủ đối với các đề xuất và tháo gỡ những khó khăn của DN trong thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn, làm DN hăng hái hơn trong việc phát triển đầu tư, góp phần làm GDP của cả nước tăng lên.

 

Vẫn còn nhiều rào cản

 

Theo báo cáo mới đây của VCCI công bố về mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện TTHC xuất nhập khẩu năm 2018 sau khi khảo sát 3.061 DN (trong đó, 46% là DN tư nhân trong nước, 33% DN FDI và 17% DN Nhà nước) cho thấy, gần 500 DN (chiếm 18%) thừa nhận phải trả chi phí ngoài quy định, 212 DN thừa nhận có trả phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở các bộ, ngành.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Đối thoại

 

Nhận thấy vẫn còn nhiều rào cản về môi trường kinh doanh trong năm 2018, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, cần phải dỡ bỏ những rào cản về môi trường đầu tư, nhất là các chỉ số đang xếp hạng thấp, cũng như dỡ bỏ những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được.

 

Năm 2019 - Năm tăng tốc và bứt phá

 

Trong bài viết đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất. Vì thế, phương châm hành động của Chính phủ năm nay là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

 

Trong phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn kinh tế VN năm 2019 tổ chức mới đây với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành trong và ngoài nước, nhiều cam kết để triển khai có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được đưa ra.

 

Với những cam kết này của Chính phủ, chắc chắn sẽ tạo động lực để thu hút DN tư nhân đầu tư phát triển, qua đó góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% vào năm 2019, theo ông Vũ Tiến Lộc– Chủ tịch VCCI, các DN mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, DN mong muốn tăng cường hơn nữa sự đối thoại của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ với DN; Tiếp tục cắt giảm TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần cẩn trọng kiểm soát việc khi ban hành các văn bản pháp luật mới để không phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh và các TTHC bất hợp lý; Huy động hơn nữa sức dân trong việc thực hiện các dịch vụ công, nếu các cơ quan nhà nước chuyển việc thực hiện các TTHC cho khu vực tư nhân, cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào việc làm thể chế thôi thì sẽ khách quan hơn rất nhiều. Lúc đó, việc cải cách TTHC sẽ được đẩy mạnh, thể chế của nước ta sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của DN trong thời gian tới…

 

Về phía cộng đồng DN, để sẵn sàng bước vào con đường hội nhập với rất nhiều thách thức và cơ hội ở phía trước, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, muốn vậy thì DN cần tái cấu trúc, phải tự làm mới mình, đặc biệt, việc thực hiện trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững đang là giấy thông hành cho DN bước vào thị trường thế giới.

 

Có thể nói, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, thông qua việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đưa Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ vào thực tiễn, cũng như hàng loạt các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ DN phát triển, cùng với đó là sự nỗ lực của cộng đồng DN, chắc chắn năm 2019 có thể phát huy, kế thừa những thành tựu của năm trước để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đã được Đảng, Quốc hội thông qua./.

 

Quỳnh Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang