Thách thức tăng trưởng kinh tế rất lớn
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (kéo dài từ Quý 2/2021). Hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc vẫn đang khắc phục những hệ lụy nghiêm trọng của Covid-19 tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từng bước dần quay trở lại tình trạng bình thường mới.
Bên cạnh cơ hội “bắt nhịp” với đà phục hồi của kinh tế thế giới, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), triển vọng thương mại từ các hiệp định thương mại (FTA) và đặc biệt là sự chuyển hướng trong kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, theo TS. Trần Toàn Thắng, tăng trưởng thời gian tới sẽ đối mặt với 6 yếu tố bất định.
“Đó là rủi ro từ biến động giá cả từ thế giới, sự leo thang của chi phí logistics và định hình chuỗi ngày càng gia tăng, sự chuyển dịch các dòng vốn trong nước, nguy cơ nợ xấu, áp lực ngân sách và phục hồi lao động”, TS. Thắng nói.
Theo Trưởng ban Kinh tế ngành NCIF, kinh tế Quý 4/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, tăng trưởng Quý 4/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.
“Đây là mức tăng trưởng rất thấp trong nhiều năm trở lại đây của Việt Nam. Do đó, nền kinh tế rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế, hỗ trợ cho quá trình phục hồi”, TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, thách thức tăng trưởng trong năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân là do kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong Quý 3 kèm theo các hậu quả kinh tế xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Việc chuyển đơn hàng của một số doanh nghiệp FDI, sự rời bỏ thành phố của người lao động có thể trở thành vấn đề lâu dài nếu Việt Nam không có những thay đổi phù hợp.
“Sự gia tăng mạnh của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics và phòng chống bệnh dịch, không sớm thì muộn, sẽ được chuyển vào giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa, nông dân được mùa nhưng không tiêu thụ được sản phẩm khiến họ phải thu hẹp sản xuất. Đây là nguyên nhân có thể đẩy giá thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm”, PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ rõ.
Do đó, mới đây, VEPR đã đưa ra hai kịch bản dự báo kinh tế 2021. Theo đó, trong kịch bản xấu, tức là bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát ở Việt Nam, khiến tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm bệnh, các đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Ở kịch bản này, tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ 1-1,5%.
Với kịch bản tốt, cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục tuy chậm nhưng chắc chắn. Dự báo cho kịch bản này là, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2-2,5%.
Cần có gói hỗ trợ đủ lớn để kích thích nền kinh tế
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, để kinh tế Quý 4 phục hồi nhanh, cần có gói hỗ trợ đủ lớn và kích thích nền kinh tế. Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng gói cứu trợ lên mức 8-10% GDP. Rút kinh nghiệm các gói cứu trợ trước do có quá nhiều thủ tục giấy tờ, nên không kịp giải ngân cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cứu trợ doanh nghiệp thời gian tới cần phải thông thoáng tối đa về mặt thủ tục, đồng thời, phải nhằm vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục để mà hỗ trợ, tránh hỗ trợ những doanh nghiệp không còn khả năng gượng dậy và chắc chắn phá sản.
“Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi sang kinh tế số, với việc kiện toàn Chính phủ điện tử để trợ giúp cho các doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo sự liên kết tốt hơn cho chuỗi giá trị. Khi số hóa mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp đối tác mua hàng của nước ngoài", TS. Lê Đăng Doanh đề xuất.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để nền kinh tế phục hồi và bắt nhịp với đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, vấn đề hiện nay là phải đặt nền móng tốt về thể chế, hạ tầng, lao động cho giai đoạn tăng tốc 5 năm tới. Song ông Thành cũng lưu ý, bên cạnh chính sách tiền tệ, Việt Nam cần mở rộng chính sách tài khóa thông qua giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích thích tiêu dùng.
“Chúng ta mới triển khai chính sách giãn, giảm, hoãn thuế… nhưng thực tế trong hai năm qua, doanh nghiệp không hoạt động và không có nguồn thu nên hiệu quả chính sách không nhiều. Đặc biệt, có thể cân nhắc mở rộng thâm hụt, vay mượn quốc tế… để tăng chi hỗ trợ người dân”, ông Thành nêu quan điểm./.
Theo Vov.vn