Ngày 17-12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TPHCM tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường New Zealand – Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN – New Zealand".
Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 19-6-1975. Đến nay, quan hệ song phương giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, du lịch…
Hai nước đang hướng đến hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ USD trong năm 2021.
New Zealand hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19 nhưng kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa New Zealand và Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2020, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đạt 1,31 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2019.
Tính đến tháng 10-2021 tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – New Zealand ước đạt 1,08 tỷ USD tăng 23,15% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand đạt 534 triệu USD. Ở chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu từ New Zealand ước đạt 541 triệu USD.
Nhiều nhóm hàng được nước ta xuất khẩu sang New Zeland đạt kim ngạch cao như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 166 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 71 triệu USD, giày dép, các loại đạt 40 triệu USD... Ở chiều ngược lại, sữa và sản phẩm từ sữa là mặt hàng nhập khẩu chính của nước ta từ New Zealand với gần 273 triệu USD.
Về hợp tác đầu tư, tính đến hết năm 2020, New Zealand có 42 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 209,5 triệu USD, đứng thứ 38/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư của New Zealand đầu tư vào 12 ngành lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 1 dự án, số vốn là 115 triệu USD đầu tư vào, chiếm 54,9% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là lĩnh vực giáo dục đào tạo với 3 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 35,44 triệu USD, chiếm 16,9%; tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 3 dự án và 31,5 triệu USD vốn đăng ký…
Riêng tại TPHCM, năm 2021, New Zealand có 26 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 82,8 triệu USD, đứng thứ 47/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư.
Bên cạnh đó, một trong những thuận lợi của Việt Nam và New Zealand khi cùng là thành viên tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP). Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP) được ký trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã mang tới nhiều cơ hội hợp tác thành công mới cho cả Việt Nam và New Zealand.
Việc tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN – New Zealand là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới trong khu vực ASEAN.
Theo Sggp.org.vn