Thứ Bẩy, 23/11/2024 17:02:54 GMT+7
Lượt xem: 1107

Tin đăng lúc 27-01-2022

Năm 2022- Nền kinh tế thêm những động lực mới

Năm 2022, mặc dù dự báo còn nhiều thách thức, rủi ro nhưng dòng chảy chính của các nền kinh tế sẽ là phục hồi. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Động lực mới đến từ những ngành nghề được thúc đẩy bởi Covid-19.
Năm 2022- Nền kinh tế thêm những động lực mới
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty YPE Vina, Khu công nghiệp Bình Xuyên 2 Vĩnh Phúc

Thêm những động lực tăng trưởng

 

Khép lại năm 2021 đầy biến động, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng 2,58%, lạm phát bình quân tăng 1,84%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19.

 

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh đến sự bứt phá của hoạt động xuất, nhập khẩu. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, chi phí sản xuất tăng cao nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn thiết lập kỷ lục mới, giúp Việt Nam duy trì năm thứ sáu xuất siêu liên tiếp và trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế.

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến phức tạp của Covid-19. Bên cạnh đó là sự phục hồi nhanh của hoạt động sản xuất công nghiệp, giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ được vai trò là động lực tăng trưởng dẫn dắt của toàn nền kinh tế. Hoạt động của DN cũng khởi sắc rõ nét về cuối năm.

 

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại là một chỉ dấu thể hiện mức tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Đáng lưu ý, tinh thần vượt khó của cộng đồng sản xuất, kinh doanh đã góp phần tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế. Số lượng DN thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng mạnh trong quý IV, cho thấy sự vững tin của DN vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế.

 

“Năm 2022, yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đó là: Quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đang được triển khai nhanh và rộng; sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu; tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA); nhiều tổ chức, chuyên gia và nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ được thực thi trong năm 2022, tạo động lực thúc đẩy hồi phục nền kinh tế” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài chính) nhận định. Đồng thời cho rằng, với tình hình phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm và các chỉ số vĩ mô thời gian trước đây, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 có thể đạt mục tiêu đặt ra 6 - 6,5% thậm chí cao hơn.

 

Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng từ những ngành nghề đang được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 như kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Theo TS Vũ Thành Tự Anh, kinh tế số và đổi mới sáng tạo tới đây sẽ diễn ra mạnh hơn. Đi cùng với đó là xu hướng tăng tốc thương mại, dịch vụ điện tử. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm tám triệu người tiêu dùng số mới với hơn một nửa đến từ khu vực nông thôn. Thương mại điện tử cũng có mức tăng gấp đôi chỉ trong hơn hai năm.

 

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng cho hay "điểm sáng" đậm hơn bật lên từ hệ lụy của dịch là quá trình chuyển đổi kinh tế số, giao dịch không tiền mặt. Theo ông Ngân, vì dịch mà năm qua làm việc online, họp, giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử... đã tăng tốc mạnh, chiếm ưu thế ở nhiều thời điểm, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Dịch Covid-19 được đánh giá là "chất xúc tác" để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam. "Nhìn một cách tổng quan, hoạt động kinh tế số tăng trưởng tốt bởi những sức ép từ dịch bệnh" - ông Ngân khẳng định.

 

Các chuyên gia cho rằng, đó là nền tảng quan trọng để tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, cùng với sự trợ lực từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài đang được Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022

 

Nói về triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi, nhiều trang báo quốc tế đã đưa ra những dự đoán với nhiều gam màu sáng. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể gặp một số thách thức nhất định. Đó là, gần đây bắt đầu nói về biến thể Omicron. Theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đó là rủi ro lớn nhất.

 

"Là một nền kinh tế mở cửa, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Có thể thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, và sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam bởi vì xuất khẩu sẽ sụt giảm. Đó là một trong những rủi ro, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc. Một rủi ro nữa là vấn đề lạm phát, nhưng hầu hết là lạm phát nhập khẩu" - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset chia sẻ.

 

Với các DN, có thêm kinh nghiệm, bài học ứng phó sau năm 2021 nhưng nhiều DN vẫn bày tỏ nỗi lo cho sự bất trắc của năm 2022. Theo phản ánh của các Hiệp hội, các DN lo ngại thứ nhất là rủi ro về dịch bệnh. Thứ hai là nỗi lo về giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao trong năm tới. Nếu chuỗi cung ứng khó phục hồi hoàn toàn, giá cả hàng hóa đầu vào sẽ bị ảnh hưởng trong năm tới.

 

"Tôi hy vọng bây giờ đã là đỉnh vì có một số mặt hàng như thép có xu hướng giảm giá. Nếu tiếp tục có các đỉnh giá mới, các DN sẽ gặp rất nhiều thách thức" - chủ một DN đầu ngành thép nói.

 

Tiếp theo là xu hướng thắt chặt hầu bao của khách hàng. Lấy ví dụ với nhóm DN dịch vụ ăn uống, Chủ tịch Liên minh DN vừa và nhỏ Dominic Vũ cho biết, nhu cầu của khách hàng sẽ không còn được như trước dịch. "6 tháng đầu năm 2022 vẫn khó, thậm chí cực kỳ khó khăn cho những đơn vị kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ" - ông Dominic Vũ nói. Do vậy, việc bình thường lại trong một giai đoạn vẫn còn nhiều bất định là rất thách thức. Mặt khác, các DN nhỏ và vừa đánh giá chính sách hỗ trợ cho nhóm DN này, còn chưa đủ mạnh mẽ. Những hỗ trợ về chính sách thuế khóa, miễn giảm VAT chưa quyết liệt, thuốc vẫn chưa đủ liều với một cơ thể đang bệnh nặng.

 

Tạo đà tăng trưởng năm 2022

 

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, Tổng cục Thống kê đề xuất 6 giải pháp điều hành để đạt kết quả phát triển kinh tế -xã hội cao nhất, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cần tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả để người dân, DN vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất. Đồng thời phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lưu thông; cơ cấu lại và phục hồi, phát triển một số ngành quan trọng như logistics, vận tải, hàng không, du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam EuroCham Torben Minko cho hay, về dài hạn Việt Nam vẫn cần phải có hướng cải cách tích cực, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, hợp lý hóa hơn nữa các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hậu cần, đẩy mạnh số hóa… Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2022.

 

Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset cho rằng, cần triển khai các biện pháp kích cầu và Chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, ví dụ ban hành các gói tài khóa mạnh mẽ hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện. Tin tốt là việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, cụ thể tỉ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy vẫn còn dư địa để vay vốn.

 

“Tôi hy vọng Chính phủ sẽ triển khai kích cầu nền kinh tế thông qua những chính sách tôi đã nêu ở trên về việc chi ngân sách và chính sách thuế. Nếu thực hiện được các nội dung này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như trước đây, thậm chí có thể mạnh mẽ hơn nữa”- ông Jacques Morisset nhận định.

 

Việt Nam cần sửa đổi quy định thu hút đầu tư, vì có những quy định đã lỗi thời; xây dựng thể chế pháp lý phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa các loại hình DN liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác nhằm tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho các DN.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti

 

Theo Kinhtedothi.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang